Tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi khi xóa nợ thuế

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN (Nghị quyết). Tuy nhiên, vấn đề được đại biểu quan tâm là việc xóa nợ thuế phải đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng DN cố tình chây ỳ nợ thuế và lợi dụng chính sách để trục lợi.




Không để DN cố tình chây ỳ nợ thuế và lợi dụng chính sách để trục lợi. Ảnh: TTXVN

Băn khoăn về đối tượngđược xóa nợ thuế

Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy: Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 42.990 tỷ đồng. Dự kiến, theo phương án xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với các đối tượng quy định tại Nghị quyết này là 16.357 tỷ đồng.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, việc xử lý nợ theo Dự thảo Nghị quyết vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, vừa xóa được nợ ảo, tạo gánh nặng cho bảng cân đối NSNN. Tuy nhiên, cần phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ nợ thuế. Đại biểu cho rằng cần đưa vào Nghị quyết vấn đề: Nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định (đối với các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp) hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ, quay lại sản xuất kinh doanh hoặc lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới với danh nghĩa người khác thì phải xử lý như thế nào.

Bên cạnh đó, theo Dự thảo, người đã chết sẽ được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần làm rõ thêm trường hợp người chết nhưng DN vẫn còn người thừa kế pháp lý, nghĩa là DN vẫn tồn tại. Trong trường hợp này, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trừ trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản thì các trường hợp còn lại đều phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay người để lại di sản. Chính vì vậy, DN vẫn phải có trách nhiệm nộp thuế.

Ở một góc độ khác, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị: Người bị xem là mất tích sau đó trở về đứng tên người khác để kinh doanh hoặc đã bị xem là mất năng lực hành vi dân sự, sau đó năng lực hành vi dân sự được phục hồi mà quay trở lại kinh doanh sẽ bị khôi phục nợ gốc và tiền nộp chậm (nếu đã được khoanh nợ, xóa nợ).

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Dự thảo cần bổ sung quy định: Bất kể khi nào nếu cơ quan quản lý phát hiện việc khoanh, miễn sai hoặc đối tượng quay lại kinh doanh thì đều phải hủy quyết định trước đó để thu hồi về ngân sách.

Đề nghị thành lập Hội đồngtư vấn và kiểm toán xóanợ thuế

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng theo Dự thảo sẽ có nhiều đối tượng được khoanh nợ, xóa nợ thuế. Do vậy, cần thành lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán đối với vấn đề này.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng: Hội đồng xét duyệt xóa nợ thuế phải gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hiệp hội DN, các đoàn thể. Hội đồng nhân dân địa phương sẽ xem xét, phê duyệt danh sách các DN được xóa nợ thuế. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc xét duyệt mức thuế cần xóa chính xác, khách quan và hợp lý. Mặt khác, cần quy định về kiểm toán khi đã hoàn thành nhiệm vụ này để tăng cường cơ chế kiểm soát, đảm bảo công khai, minh bạch.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần phải thành lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán xóa nợ thuế. Tại địa phương thì cơ quan thuế là đơn vị đề xuất xóa nợ thuế, nhưng Hội đồng xét duyệt nợ thuế cần phải đầy đủ các thành phần liên quan như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hiệp hội DN.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nghị quyết của Quốc hội như một đạo luật nên không thể chỉ đơn thuần quy định về xử lý nợ thuế mà còn xác lập cơ chế quản lý, kiểm soát, tổ chức thực hiện thông qua các quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát nhằm đảm bảo hoạt động xử lý nợ thuế được công khai, công bằng, minh bạch và đúng pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo phải quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện cũng như trách nhiệm giám sát việc thực hiện đối với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Ngoài ra, theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá), cần phải bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các cơ quan giám sát về thuế đối với số tiền thuế chậm nộp. Tương tự, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nêu vấn đề: Các DN khi thay đổi địa chỉ mà không báo cáo là việc làm sai của các DN, nhưng vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước không biết các DN đó đang hoạt động ở đâu, còn kinh doanh hay không. Nếu quả thực như vậy thì đây là một lỗ hổng trong quản lý nhà nước, quản lý DN, quản lý dân cư. Đại biểu Thành đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm và có giải pháp trong thời gian tới để có thể quản lý và tránh thất thu thuế từ nhóm đối tượng này...

Trước những lo ngại nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Dự thảo Nghị quyết chỉ xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chưa xử lý đến số tiền nợ thuế gốc. Điều kiện tiên quyết để xử lý là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và đây là xử lý tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, thực chất là tiền nợ ảo. Tiền nợ thuế gốc sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Bộ trưởng cho biết thêm, Nghị quyết này áp dụng cơ chế tương tự như quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nhưng áp dụng cho số nợ thuế trong giai đoạn trước ngày 01/7/2020 để không làm phát sinh thêm tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp không thể thu hồi được và không còn đối tượng để thu hồi nợ. Nghị quyết này được ban hành sẽ là văn bản quy phạm pháp luật cho việc xử lý nợ, theo đó, việc xóa nợ phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ và đúng quy định.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019
Cùng chuyên mục
Tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi khi xóa nợ thuế