Trái phiếu chính phủ - kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế

(BKTO) - Thị trường trái phiếu và trái phiếu chính phủ (TPCP) đang ngày càng được quan tâm bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) - đã trả lời báo chí về các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển thị trường TPCP trong thời gian tới. Phóng viên Báo kiểm toán đã ghi lại nội dung cơ bản cuộc trao đổi này.



Xin bà cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện những biện pháp nào để phát triển thị trường TPCP gắn với việc tái cơ cấu nợ công?

- Từ trước năm 2015, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường TPCP, tuy nhiên, thị trường này vẫn gặp phải một số vấn đề lớn như: năm 2014, quy mô thị trường TPCP nhỏ, chỉ chiếm 13,84% GDP, các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ đến 79,7% thị phần, đa phần TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm làm ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công.

         
   
   Bà Phan Thị Thu Hiền
   
Đến nay, thị trường TPCP đã có sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng, đa dạng hóa, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các NHTM. Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các NHTM còn 51,1%, danh mục còn lại do Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Đặc biệt, năm 2017, Bộ Tài chính đã phát hành được khoảng 11.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm cho nhà đầu tư offshore (các quỹ ngoại không mở văn phòng trong nước). Do đó, có thể nói rằng, thị trường TPCP hiện nay không còn lệ thuộc vào ngân hàng.

Bên cạnh trái phiếu truyền thống với lãi suất cố định, Việt Nam đã phát triển trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt; đồng thời, đã đa dạng các kỳ hạn trái phiếu từ 5 năm đến 30 năm để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu. Sự đa dạng này đã giúp cho quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên 9.000 tỷ đồng/phiên vào năm 2017, trong khi giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2018, giá trị giao dịch bình quân đã đạt 10.400 tỷ đồng/phiên.

Bộ Tài chính cũng đã chủ động phát hành TPCP kỳ hạn dài, đặc biệt là các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quỹ bảo hiểm, vừa giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và tăng tính bền vững của nợ công. Nhờ đó, kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ 2,38 năm vào cuối năm 2013 lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để từng bước tái cơ cấu các loại trái phiếu có lãi suất cao, các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn thành các loại có kỳ hạn dài hơn thông qua nghiệp vụ mua lại và hoán đổi.

Như bà vừa trao đổi, thị trường TPCP của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Vậy so với các nước trong khu vực thì Việt Nam đang đứng ở vị trí nào?

- Mặc dù thị trường TPCP của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh trong thời gian qua, tuy nhiên, so với tiềm năng của nền kinh tế và các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu của nước ta vẫn còn nhỏ. Tính đến tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu của Việt Nam là 39,9% GDP, trong đó, dư nợ thị trường TPCP là 29,2% GDP. Cũng tại thời điểm này, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường TPCP chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường TPCP chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,8% GDP).

Về thanh khoản của thị trường, so với các quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp của Việt Nam tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên của Thái Lan (khoảng 550 triệu USD/phiên - tương đương với 12.600 tỷ đồng/phiên). Tuy nhiên, giá trị này của Việt Nam vẫn thấp hơn một số quốc gia như: Hàn Quốc và Singapore (giá trị giao dịch bình quân vào khoảng 1,4 tỷ USD/phiên - tương đương khoảng 32.000 tỷ đồng/phiên).

Nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số các quốc gia trong khu vực là do sự phát triển của nền kinh tế còn thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện mới bắt đầu hình thành. Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường.

Có ý kiến cho rằng, việc các NHTM tập trung vào việc mua TPCP đã làm giảm phần vốn cho vay đối với nền kinh tế, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Tôi khẳng định việc các NHTM mua TPCP không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, bởi lẽ: năm 2017, tỷ lệ nắm giữ TPCP của NHTM là 79,7%, đến nay đã giảm xuống còn 51,1%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 68% của Trung Quốc và 60% của Thái Lan. Hơn nữa, bảng tổng kết tài sản của hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2017 cho thấy, tỷ lệ đầu tư vào TPCP khá nhỏ, chỉ vào khoảng 7,28% trong tổng tài sản của hệ thống ngân hàng, trong khi đó, dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP. Như vậy, tỷ lệ cho vay nền kinh tế và tham gia vào thị trường TPCP của các NHTM có sự cân đối.

Các NHTM đầu tư vào TPCP với 2 mục tiêu, thứ nhất là mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời, thứ hai là mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các NHTM luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Như vậy, việc nắm giữ TPCP của các NHTM vừa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo an toàn vốn vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi. Bên cạnh đó, TPCP cũng là công cụ hỗ trợ để NHNN điều hành chính sách tiền tệ như: thực hiện nghiệp vụ thị trường mở hay cho vay tái cấp vốn. Đó là lý do tại sao Bộ Tài chính và NHNN luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Để phát triển thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra, Bộ Tài chính sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa bà?

- Để đạt được mục tiêu phát triển thị trường TPCP thành kênh huy động vốn cơ bản cho NSNN và trở thành thị trường chuẩn nhằm phát triển thị trường tài chính, Bộ Tài chính sẽ phát triển các sản phẩm trái phiếu mới, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh; phát hành đều đặn, liên tục các kỳ hạn. Bộ sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản và tăng quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp. Trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế và thí điểm nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn 2 chiều đối với nhà tạo lập thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia mua, bán TPCP để tiếp tục cơ cấu lại nhà đầu tư; phát triển cơ sở nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm thu hút nhà đầu tư dài hạn; phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện và các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Ngoài ra, Bộ sẽ hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu, phấn đấu rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
LƯU HƯỜNG (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Đầu tư các dự án hạ tầng đô thị: Thực trạng và giải pháp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng các dự án hạ tầng đô thị (HTĐT) đã góp phần đổi mới bộ mặt đô thị, từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân và tạo lập một nền tảng phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án HTĐT đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, rất cần các giải pháp đồng bộ để khắc phục và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án này.
  • Phát huy hào khí của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi đó Đảng ta mới thành lập 15 năm, có chưa đến 5.000 đảng viên; là thắng lợi của nghệ thuật nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về cho nhân dân.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dự báo năm 2018 đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 30/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2018.
  • Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Ai Cập
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 27/8 theo giờ địa phương, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã tiến hành hội đàm.
  • Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): 5 vấn đề cần được làm rõ
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 cùng với các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý các hoạt động đầu tư công; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công… Tuy nhiên, sau hơn 3 năm có hiệu lực, Luật đã phát sinh không ít hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vẫn còn một số bất cập cần phải được làm rõ.
Trái phiếu chính phủ - kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế