Tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

(BKTO) - Trong tháng 10/2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8. Đến thời điểm này, Ban Soạn thảo vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng DN… để hoàn thiện, chỉnh lý Dự thảo.




Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi. Ảnh: H.Thành

Cần xem xét thêm yếu tốhội nhập

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều với 16 nội dung sửa đổi, 7 nội dung lớn cần xin ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan.

Đến nay, điểm tiến bộ được đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ghi nhận là Dự thảo Bộ luật hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế, trong đó có Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Theo đánh giá của ông Dong Eung Lee - Chuyên gia cao cấp của ILO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Dự thảo Bộ luật đã giảm và linh hoạt các quy định về đối thoại nơi làm việc, thời hạn của thỏa ước lao động tập thể đầu tiên, số giờ làm thêm. Đồng thời, “luật chơi” cũng rõ ràng hơn khi điều chỉnh cơ cấu lao động vì lý do kinh tế, có sự thương lượng tập thể để giảm quan liêu và can thiệp, giải quyết tranh chấp lao động nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của tập thể, cá nhân. Dự thảo Bộ luật cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu khi đề cập đến các vấn đề quấy rối, tuổi nghỉ hưu, thương lượng tập thể để phát triển kỹ năng nghề, năng lực và năng suất, góp phần thúc đẩy hợp tác tại nơi làm việc và công nhận vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong quan hệ lao động.

Tuy nhiên, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, cần phải xây dựng Bộ luật trên quan điểm kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Hiện Dự thảo vẫn còn khuyết thiếu khi chưa đề cập đến đội ngũ lao động sáng tạo, lao động trí tuệ. Để phù hợp với xu hướng phát triển lao động trong Cách mạng công nghệ 4.0, cần phải bổ sung những quy định cụ thể liên quan đến đối tượng này vào trong Bộ luật.

Ông Mikanao Tanaka - Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - cho rằng, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu thêm về quy định “Thời hạn của giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tối đa là 2 năm; trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 2 năm”, như vậy, thời gian lâu nhất để một chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ là 4 năm, trong khi chi phí để Nhật Bản có thể đưa 1 chuyên gia ra nước ngoài làm việc là rất lớn và phải xử lý rất nhiều thủ tục.

Hai nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau

Cập nhật thông tin đến thời điểm hiện tại, ông Lợi cho biết, trong số 7 nội dung lớn cần xin ý kiến, hiện chỉ còn 2 nội dung đang có ý kiến khác nhau là mở rộng khung thời gian làm thêm giờ và quy định về tuổi nghỉ hưu, còn các nội dung khác đã cơ bản thống nhất.

Theo đó, về thời giờ làm việc bình thường, Chính phủ đã thống nhất trình phương án tối đa không quá 48 giờ/tuần. Đối với nội dung mở rộng khung thời gian làm thêm giờ, do đang còn ý kiến khác nhau nên Dự thảo chỉnh lý: Phương án 1 là giữ như hiện hành và sửa đổi giới hạn không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 40 giờ/tháng, 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm trong 5 loại công việc quy định tại Điều 107; Phương án 2 là giới hạn 200 giờ/năm hoặc 400 giờ/năm, giao Chính phủ quy định.

Trao đổi về nội dung này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, ý kiến đóng góp của hơn 30 đoàn đại biểu Quốc hội đều thống nhất với phương án mở rộng khung giờ làm thêm, bởi đây là nhu cầu tất yếu của DN và yêu cầu của công tác xuất khẩu để đảm bảo cho kinh tế phát triển, đồng thời cũng là nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người lao động để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Về quy định tuổi nghỉ hưu, theo các chuyên gia, đây cũng là yêu cầu tất yếu bởi Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số và thiếu lao động, năm 2014 trở về trước, mỗi năm tăng thêm từ 1 đến 1,1 triệu lao động, nhưng đến năm 2018 chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Tuy nhiên, không thể tăng tuổi nghỉ hưu đối với những ngành lao động năng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, Chính phủ trình Phương án 1, kể từ ngày 01/01/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028 và Phương án 2 là Luật chỉ chốt tuổi, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 và giao Chính phủ quy định lộ trình. Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (có 1.748 nghề, công việc được đề cập trong 8 văn bản) để ban hành một danh mục người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn…

Đưa ra khuyến nghị Việt Nam tăng giới hạn giờ làm thêm hằng năm từ 200 đến 300 giờ đối với điều kiện làm việc bình thường và 400 giờ trong trường hợp đặc biệt hoặc trong một số ngành công nghiệp nhất định, bà Mary Tarnowka - Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - cho rằng, giới hạn 200 giờ là một bất lợi đáng kể cho các DN và đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh bất lợi so với các nước láng giềng. Bà Mary cũng kiến nghị nên hủy bỏ giới hạn làm thêm giờ hằng tuần và hằng tháng. Ông Chu Văn An - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cũng đồng tình với kiến nghị này nhằm phù hợp với các DN sản xuất có tính thời vụ như nông - thủy - hải sản…

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 42ra 17-10-2019
Cùng chuyên mục
Tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)