Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

(BKTO) - Thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Khuyến nghị này tiếp tục được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra tại Tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016”, ngày 11/10.




Toàn cảnh buổi tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III 2016”

Cần chiến lược tổng thể cho chính sách tài khóa

Theo VERP, những tháng cuối năm 2016, Chính phủ cần lưu ý trong chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ.

Nhìn lại 9 tháng qua, VERP nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương. Mức thu ngân sách thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong khi nguồn thu chưa được cải thiện nhiều, chi NSNN đã tăng nhanh trong 3 tháng qua, dẫn tới bội chi gia tăng.

Nhận định trên cũng phù hợp số liệu của Bộ Tài chính công bố tại cuộc họp báo thường kỳ quý III, ngày 11/10. Theo đó, 9 tháng năm 2016, thu ngân sách đạt 718,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm, tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 đạt 74,9% dự toán); chi ngân sách đạt 870,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán năm; bội chi ngân sách là 152,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 60% so với dự toán. Như vậy, mức bội chi này cao hơn so với mức 136 nghìn tỷ đồng của năm 2015.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP - thực trạng trên xuất phát từ việc nền kinh tế phục hồi chưa được như mong đợi. Trong khi đó, dẫn chứng hụt thu ngân sách lớn từ dầu thô, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế - nhận định hạn chế này là do lập dự toán chưa sát với thực tế.

Dựa trên diễn biến của nền kinh tế trong quý III, VERP dự báo chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm và không kịp điều chỉnh xuống tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế; trong khi thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm nay một lần nữa bị phá vỡ. Điều này tiếp tục gây áp lực cho Việt Nam trong việc giảm tỷ lệ nợ công. Bởi vậy, “trong ngắn hạn, Chính phủ cần thận trọng khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm sau. Đặc biệt, Chính phủ mới cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu để cắt giảm bộ máy hành chính, chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ và chỉ đạo thoái vốn dứt điểm tại các DNNN” - TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Vẫn nên thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ

Bên cạnh những khuyến nghị liên quan đến chính sách tài khóa, TS. Vũ Đình Ánh nhìn nhận trong quý III, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào khoảng 11 tỷ USD, tương ứng với việc “bơm” ra thị trường 250.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động vốn tốt hơn so với cho vay. Điều này cho thấy ngân hàng đang dư thừa thanh khoản. Liên hệ với thời điểm 2007, Việt Nam mua về 10 tỷ USD, tương ứng với số tiền chưa đến 200.000 tỷ đồng nhưng thị trường thời điểm đó đã “ngập” tiền đồng do không có biện pháp trung hòa, chuyên gia Vũ Đình Ánh bày tỏ quan ngại khi ở thời điểm này, chưa thấy nhà điều hành nhắc tới biện pháp trung hòa thị trường để tránh những nguy cơ, rủi ro đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lại khá lạc quan khi cho rằng tiền ngân hàng được mua qua các kênh tín phiếu của NHNN, trái phiếu chính phủ khác hoàn toàn với những năm 2007-2008. Do đó, thị trường vẫn có khả năng trung hoà. Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành cũng nhận định thời điểm 2007, Việt Nam không trung hoà được bởi lạm phát leo thang, nhưng hiện tại NHNN hoàn toàn có thể trung hòa được thông qua việc kiểm tra lượng tín phiếu phát hành.

Yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm là lạm phát. Giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh, thành, giá năng lượng hồi phục, giá lương thực trên thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước; trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra. Do đó, VERP vẫn giữ quan điểm: NHNN cần thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017, không gây ra rủi ro lạm phát.

VERP còn khẳng định, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay. Điều này được kỳ vọng góp phần tạo ra cú huých cho DN trong quý tới. Nhờ đó, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn.

Với mức tăng 6,4% GDP, kinh tế quý III đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm, giúp tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 5,93%. Mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 6,7% xuống 6,3-6,5% nhưng VERP vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm là 6%.

Bài và ảnh: ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
  • Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, sáng ngày 09/10,Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chính thức khaimạc tại Hà Nội.
  • Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP  từ 6,3 - 6,5% trong năm 2016
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong2 ngày, 3 và 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcđã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
  • Tập trung kiểm toán, đánh giá toàn diện các vấn đề xã hội quan tâm
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 03/10, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã cho ý kiến về dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2017 của KTNN. Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí về nguyên tắc, định hướng, trọng tâm kiểm toán cũng như dự kiến KHKT của KTNN, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung kiểm toán nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện việc thực hiện các chính sách, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
  • Kiểm toán độc lập Việt Nam: Đón đầu xu hướng phát triển mới
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kiểm toán độc lập (KTĐL) đã và đang thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của nhà đầu tư trên toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, KTĐL Việt Nam cần phải chuẩn bị những hành trang cần thiết để đón đầu xu thế phát triển mới. Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo “Tương lai của ngành Kiểm toán” do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.
  • Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chưa đạt mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 21/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành phần lớn thời gian nghe và thảo luận về: Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô