Tích cực vào cuộc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế

(BKTO) - Thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều cơ sở y tế thời gian qua khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT)... Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế.



                
   

Không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc trong phạm vi được hưởng. Ảnh: TTXVN

   

Danh mục thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán cơ bản đáp ứng yêu cầu điều trị

Chia sẻ về những quyền lợi mà chính sách BHYT mang lại cho người dân, tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về BHYT của BHXH Việt Nam mới đây, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT bao gồm 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

Trong đó có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán. Đây chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm thuốc có giá thành cao, chi phí lớn hoặc thuốc thế hệ mới cần được sử dụng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để đảm bảo tính hiệu quả, mặt khác thuộc nhóm thuốc đã có nhiều hoạt chất khác có tác dụng tương tự được Quỹ BHYT thanh toán 100%.

Cùng với đó, danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước có điều kiện tương đồng như Thái Lan, Indonesia, Philippines..., danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của người tham gia BHYT bình quân khoảng 600 thuốc (Thái Lan: 660, Indonesia: 601).

“Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT tại nước ta đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được tiếp cận được các thuốc mới phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, giải quyết được các vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT” - ông Lê Văn Phúc cho biết.

Giám định nhanh nhất để mua sắm thuốc

Mặc dù vậy, đại diện BHXH Việt Nam cũng chỉ ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số địa phương. Qua thống kê hiện nay cho thấy, một số địa phương thiếu thuốc nhiều như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Điều này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Theo ông Lê Văn Phúc, nguyên nhân của việc thiếu thuốc, vật tư y tế là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, qua báo cáo của các địa phương cho thấy, 7 địa phương thuốc đấu thầu đã hết hạn từ năm 2021 nhưng đến tháng 7 chưa mở đấu thầu cho năm 2022; có địa phương chỉ đấu thầu đúng danh mục của Bộ Y tế quy định mà không mở rộng danh mục thuốc trong khi được mở rộng đấu thầu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tập trung nhân lực đấu thầu thiếu... dẫn đến thiếu thuốc.

Ông Phúc cũng cho biết, mới đây Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung, và hy vọng trong tháng 7 sẽ công bố kết quả. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỷ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán khám, chữa bệnh.

Với vai trò của cơ quan BHXH trong tham gia công tác đấu thầu tập trung, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân BHYT.

Nhấn mạnh quan điểm của cơ quan BHXH là giám định nhanh nhất có thể với đề xuất để các bệnh viện để có thể nhanh chóng mua sắm thuốc, ông Phúc nêu rõ: “Chúng tôi không đồng ý việc người bệnh phải tự đi mua thuốc bên ngoài. Bởi vì có những trường hợp thuốc rất đắt, cũng như cần được đảm bảo về chất lượng trong cả khâu bảo quản. Người dân không thể bỏ số tiền lớn để mua sau đó mới thanh toán được. Vì vậy, bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm vừa đảm bảo mức giá, vừa đảm bảo chất lượng và quyền lợi cho người bệnh BHYT”.

Về băn khoăn người bệnh sẽ được hoàn trả chi phí thuốc, vật tư y tế trong trường hợp này như thế nào, ông Phúc cho biết: Thực tế, trong quy định về thanh toán trực tiếp hiện nay đối với người bệnh không có việc thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, Luật BHYT cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp. Song đây có phải là trường hợp đặc biệt không thì cơ quan BHXH đang chờ hướng dẫn của Bộ Y để để triển khai việc thanh toán này.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) đề xuất, có thể áp dụng quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP trong trường hợp này. Đó là quy định trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế thì cơ sở đó có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh. "Nhà nước luôn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nên cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh. Nếu không đảm bảo được thì cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh" - ông Dương Tuấn Đức cho biết.
Đ. KHOA



Cùng chuyên mục
Tích cực vào cuộc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế