Thu ngân sách chặng nước rút: Phấn đấu đạt mức cao nhất

(BKTO) - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thu ngân sách năm 2020 giảm so với cùng kỳ những năm gần đây. Tổng thu cân đối ngân sách 11 tháng mới đạt 83,4% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngành tài chính nỗ lực phấn đấu để thu ngân sách cả năm đạt khoảng 93 - 95% dự toán.




Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thu ngân sách năm 2020 giảm so với cùng kỳ những năm gần đây. Ảnh: V.Hoàng

Nhiều địa phương trọng điểm có số thu nội địa đạt dưới 20% dự toán

Bộ Tài chính cho biết, 11 tháng qua, tổng thu NSNN đạt 1,26 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách T.Ư đạt 77,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 91,1% dự toán. Lũy kế 11 tháng, thu nội địa đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019; thu từ dầu thô đạt 31.500 tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2019; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 161.500 tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 119.900 tỷ đồng.

Đến nay, 23/63 địa phương hoàn thành dự toán thu NSNN; 31/63 địa phương hoàn thành dự toán thu cân đối được Thủ tướng Chính phủ giao; 33/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây phần lớn là các địa phương có số thu thấp, ít phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu tác động của đại địch Covid-19. 11 địa phương, trong đó có nhiều địa phương trọng điểm có số thu nội địa đạt dưới 20% dự toán.

Để thu đúng, thu đủ về ngân sách, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế, tạo điều kiện cho DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, 11 tháng qua, các cơ quan quản lý thu ngân sách đã tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế và thu NSNN, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Cụ thể, cơ quan thuế đã thực hiện khoảng 65.350 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại DN; kiểm tra khoảng 568.400 hồ sơ khai thuế của DN, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách và giảm lỗ gần 55.840 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thu vào NSNN 15.870 tỷ đồng (đã thu 8.495 tỷ đồng); thu hồi 25.500 tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Cơ quan hải quan đã thực hiện 1.644 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 1.395 cuộc kiểm tra sau thông quan), kiến nghị xử lý thu vào NSNN 1.072 tỷ đồng (đã thu nộp 1.033 tỷ đồng)…

Phấn đấu thu ngân sáchđạt 93 - 95% dự toán

Tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 của nước ta là 6,8%, dự toán thu NSNN năm 2020 tăng 9,9% so với năm 2019, tương đương 134.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ vào khoảng 2,5 - 3%, trong khi đó, việc Chính phủ phải tháo gỡ khó khăn cho DN bằng một loạt các giải pháp tài khóa đã ảnh hưởng đến thu NSNN. Tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội năm 2020 sẽ hụt thu gần 190.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và nỗ lực của các địa phương, thu NSNN đến hết tháng 11 đã đạt 83,4% dự toán.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm mạnh so với mục tiêu đề ra, ngành tài chính vẫn kiên định mục tiêu phấn đấu thu ngân sách cả năm 2020 đạt khoảng 93 - 95% dự toán, trong đó tập trung vào thu ngân sách T.Ư. Mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN trong những tháng cuối năm 2020. Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm 2020 đến nay, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn... xảy ra trên diện rộng, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động thu, chi NSNN… Thu ngân sách đạt thấp, cân đối NSNN khó khăn.

Nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, Chỉ thị yêu cầu trong năm 2020, Tổng cục trưởng: Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ DN và hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính thuế cho người dân và DN. Tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN theo quy định, bao gồm cả các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn nộp NSNN theo quy định của Chính phủ; các khoản thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản, thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet, thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án phát sinh mới. Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, khẩn trương xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản thuế đã kê khai nhưng chậm nộp và các khoản thuế ẩn lậu được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị thu vào NSNN.

Các đơn vị thuộc và trực thuộc ngành tài chính phải tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm. Giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện chi thường xuyên của các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là việc rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi và tiết kiệm triệt để các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí có được từ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để đảm bảo cân đối NSNN và chi cho mục tiêu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định…

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Thu ngân sách chặng nước rút: Phấn đấu đạt mức cao nhất