Thu hút nhà đầu tư chiến lược: Phải linh hoạt mới mong tìm được bạn đồng hành lâu dài

(BKTO) - Thu hút và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược (NĐTCL), đặc biệt là các NĐTCL quốc tế, luôn được xem là một giải pháp quan trọng để quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN đạt được mục tiêu và hiệu quả cũng như để DN CPH nâng cao chất lượng quản trị. Tuy nhiên tại Việt Nam, NĐTCL vẫn luôn là một ẩn số, thách thức nhiều cuộc tìm kiếm của Nhà nước và DN CPH trong thời gian qua.



NĐTCL không mặn mà với doanh nghiệp CPH

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, từ năm 1992 đến nay, hơn 4.500 DNNN đã thực hiện CPH nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Đáng chú ý, sự tham gia của các NĐTCL ở mức thấp hơn kỳ vọng. Trong số 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011-2016, có 14 DN đưa ra phương án CPH không bán cho NĐTCL, 2 DN bán cổ phần cho NĐTCL với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt, 17 DN bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt, 9 DN không bán được cổ phần cho NĐTCL và 4 DN còn lại không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho NĐTCL.

Kết quả thống kê cho thấy, tổng vốn điều lệ của 46 tổng công ty đạt 171.225 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 124.835 tỷ đồng (chiếm 73%), phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược 28.369 tỷ đồng (chiếm 16,57%). Tuy nhiên trên thực tế, số cổ phần đã bán cho cổ đông chiến lược chỉ đạt 12.762 tỷ đồng, chưa đến một nửa con số được phê duyệt. Thậm chí, chỉ 4/46 tổng công ty (chiếm 8,7%) bán được cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng phần lớn là với tỷ lệ cổ phần thấp (cao nhất là 20%).

Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Phạm Đức Trung cho biết, hiện chỉ có 6/46 phương án phê duyệt có tỷ lệ bán cho NĐTCL trên 50% và 5/6 DN đó đã bán được hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược. Phần lớn tỷ lệ bán cho NĐTCL được phê duyệt thường nhỏ, đây có thể là một nhân tố làm giảm sự quan tâm của các NĐTCL nói chung và NĐTCL nước ngoài nói riêng.

Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho thấy, bình quân giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch 16,7%), NĐTCL chỉ là 7,3% (so với kế hoạch 15,8%) trong khi Nhà nước vẫn nắm giữ tới 81% vốn chủ sở hữu. Đơn cử năm 2015, DN thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng qua hình thức đấu giá (IPO) chỉ đạt khoảng 36% tổng số cổ phần chào bán.

Năm 2017, tình cảnh “vỡ trận” trong CPH DNNN càng trở nên hiện hữu với số liệu mới công bố từ CIEM. Theo đó, mục tiêu CPH và thoái vốn DNNN trong năm nay là phải thu về 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế 9 tháng đầu năm, con số thu được mới ở mức 12.000 tỷ đồng (trong đó CPH đạt khoảng 6.000 tỷ đồng), chỉ vẻn vẹn 20% mục tiêu đề ra. Điều này thể hiện rõ một thực tế là các nhà đầu tư chưa mặn mà với CPH DNNN.

Truy tìm nguyên nhân

NĐTCL hay cổ đông chiến lược - theo CIEM - là một cá nhân hoặc một tổ chức không chỉ đơn thuần đầu tư các nguồn lực tài chính vào một DN hoặc một cơ hội đầu tư mà còn tích cực tham gia điều hành, hỗ trợ và đóng góp các nguồn lực khác để giúp phát triển hoạt động kinh doanh của DN được nhận đầu tư.

Thực tiễn cho thấy, nếu Chính phủ và DNNN muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược để tiếp cận tri thức quản lý, kỹ thuật tiên tiến thì các nhà đầu tư quốc tế lại có thể không muốn chuyển giao những tài sản đó cho một DN mà họ không hoàn toàn kiểm soát và có khả năng là đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực. Chưa kể, một số quốc gia còn ngần ngại bán DNNN cho nhà đầu tư nước ngoài vì lý do chính trị và an ninh kinh tế…

Theo phân tích của giới chuyên gia, mục tiêu của bất kì NĐTCL nào, dù trong ngắn hay dài hạn, vẫn là lợi nhuận cho cổ đông. Do vậy, đầu tư chiến lược vào DNNN CPH thường xảy ra nếu như DN có triển vọng sinh lợi cao trong ngắn và trung hạn. Cơ hội sinh lời từ việc mua cổ phần nhà nước không còn tạo được sức hút cao với các NĐTCL do hiệu quả kinh doanh của đại đa số DNNN còn thấp.

Thực tế, đối với các tập đoàn siêu lợi nhuận thì Nhà nước vẫn giữ chủ trương kiểm soát 100% mà không cho phép các NĐTCL tham gia. “Miếng bánh” lợi nhuận mà các NĐTCL có thể tiếp cận hầu như chỉ rơi vào nhóm các DNNN với lợi nhuận dưới 10%. Trong nhóm ít lợi nhuận này, có khá nhiều DNNN thuần túy cung cấp sản phẩm công ích - vốn không phải đối tượng quan tâm của các NĐTCL.

Tình hình sử dụng vốn đáng báo động của DNNN với khả năng gây ra những rủi ro tài chính lớn cũng ảnh hưởng đến vấn đề thu hút các NĐTCL. Theo đánh giá của TS. Vũ Quang Việt - nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên hợp quốc - đến cuối năm 2016, tổng nợ của DNNN đã lên tới 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần. Nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn chiếm dụng lẫn nhau rất cao… Điều này cho thấy tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không lành mạnh, lợi nhuận lũy kế trên tổng tài sản không bằng một số thành phần kinh tế khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến NĐTCL không tích cực tham gia đầu tư vào các DNNN CPH.

Ông Phạm Đức Trung cho biết, Việt Nam hiện có tới 54 ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia; khoảng 113 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó tỷ lệ sở hữu không quá 49%. Mặc dù việc quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu này được thiết kế với mục đích tạo hàng rào bảo hộ cho các ngành công nghiệp non trẻ trong nước, nhưng nó cũng làm giảm động cơ đầu tư vì không đảm bảo quyền điều hành và quản trị kinh doanh trong DN.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Tony Foster - Luật sư điều hành Freshfields Bruckhaus Deringer LLP cũng bày tỏ: việc giới hạn tỷ lệ sở hữu ở mức thấp khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể đóng góp nhiều cho DN. Các thương vụ IPO mà nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia 3% hay 10% chỉ có giá trị trong đầu tư tài chính mà không có hiệu quả về đầu tư chiến lược. Nếu Chính phủ sẵn sàng nới room sở hữu cho cổ đông nước ngoài thì rất có thể sẽ tăng sức hấp dẫn và giá bán cho chính DN CPH.

Theo ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng quan tâm, tìm hiểu để mua cổ phần các DNNN của Việt Nam, nhưng sau quá trình tìm hiểu họ đã rời bỏ. Nguyên nhân là do quá trình CPH DNNN của Việt Nam còn nhiều bất cập khiến nhà đầu tư nản chí, chẳng hạn: việc công khai thông tin chưa tốt, quá trình định giá chưa phù hợp với thông lệ quốc tế khiến nhà đầu tư khó có cơ sở để thẩm định sự công bằng đối với cổ phần mà họ sẽ mua.

Báo cáo của CIEM cũng chỉ rõ, vấn đề định giá DNNN CPH là một trong những trở ngại lớn nhất cản trở sự tham gia của NĐTCL khi mua cổ phần. Hiện nay, cách thức định giá DN ở Việt Nam chưa theo kịp các phương pháp và chuẩn mực quốc tế. Việc xác định giá bán cổ phần chưa tuân theo thị trường và vấn đề thuê tư vấn nước ngoài để tiến hành định giá đang bị trở ngại bởi chi phí.

Cùng với đó, quy trình CPH gắn với cổ đông chiến lược còn phức tạp, nhiều thủ tục, nhiều lần phê duyệt ở các cấp thẩm quyền, gây tốn kém thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Vì không có một cơ quan chuyên trách hỗ trợ DNNN trong các khâu, quy trình CPH và tìm kiếm cổ đông chiến lược nên mỗi khi DN có khúc mắc lại phải xin chủ trương chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương). Tình trạng này đã kéo dài thời gian và làm nản lòng cả các nhà quản lý DN lẫn các đối tác chiến lược tiềm năng.

Nên linh hoạt khi chọn nhà đầu tư chiến lược

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, trong CPH nói chung và thu hút NĐTCL nói riêng, chúng ta cần tư duy thị trường, cụ thể là cần theo cách nhìn của một nhà đầu tư hơn là cách nhìn của một cơ quan quản lý nhà nước.

"Quản lý nhà nước thường cho rằng, giữ cái gì đó sẽ hay hơn là bán, vì bán là mất nhiều thứ, còn giữ thì không mất gì. Nhưng nhà đầu tư lại nhìn nhận, bán không có nghĩa là mất mà chuyển từ tài sản này sang tài sản kia, là cơ cấu lại danh mục tài sản. Nhà đầu tư mua đống tài sản sinh lời trong tương lai chứ không phải mua đống tài sản hiện có" - ông Cung nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sỹ Hùng cho rằng, với các DN trọng điểm, cần có điều kiện đặc thù, không thể áp đặt thời gian theo quyết định hành chính. Bên cạnh đó, không nên để cơ quan nhà nước ra quyết định đối với vấn đề cổ đông chiến lược mà người thực hiện nên là DN, tổ chức kinh doanh hoặc nhà chuyên môn.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc xác định cổ đông chiến lược phải có sự linh hoạt nhất định, bởi mỗi loại hình DN đều có tính khác biệt trong nhìn nhận của Nhà nước, của thị trường cũng như của NĐTCL.

Cũng đưa ra giải pháp theo hướng mở, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhấn mạnh: phải coi mỗi cuộc CPH DNNN như là một vụ đầu tư, như là may một cái áo cho DN mà không áo nào giống áo nào. Nhà nước chỉ nên xây dựng các trình tự, thủ tục thay vì đặt ra các quy định quá cụ thể.

Báo cáo của CIEM đã kiến nghị 5 giải pháp để thu hút các NĐTCL trong CPH DNNN, đó là:

Thứ nhất, cần có các quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn NĐTCL, bao gồm cả NĐTCL quốc tế.

Thứ hai, việc xác định giá trị DN và xác định giá bán cổ phần cho NĐTCL phải được nghiên cứu sâu hơn và cụ thể hơn để đưa ra được những quy định tôn trọng lợi ích của các bên dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Thứ ba, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch đối với các thông tin liên quan đến hoạt động của DN sẽ CPH cũng như đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, trong đó có các cổ đông chiến lược.

Thứ tư, nâng cao vai trò của NĐTCL trong quản trị DN sau CPH.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả khu vực DNNN nhằm thu hút các NĐTCL. Bởi suy cho cùng, giải pháp căn bản và dài hạn để thu hút các NĐTCL vẫn là nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện quản trị DN cả trước và sau CPH.

Tựu trung lại, các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, chúng ta phải chấp nhận thay đổi tư duy thì mới có thể đi vào thực chất vấn đề CPH DNNN, nhất là việc thu hút các NĐTCL. Nói như Viện trưởng CIEM, khi các DN rất khác nhau về quy mô, ngành nghề, tiềm năng giá trị sinh lời trong tương lai, chúng ta nên chọn cách tiếp cận linh hoạt theo đặc thù của từng DN thì mới mong tìm được bạn đồng hành dài hạn.

XUÂN HỒNG
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017
Cùng chuyên mục
  • Để doanh nghiệp không còn lo ngại về hóa đơn điện tử
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hóa đơn điện tử (HĐĐT) được kỳ vọng là sẽ tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường kinh doanh giúp DN và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự chuyển đổi này chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi, bởi không ít DN vẫn ngại minh bạch, không muốn thay đổi và tìm cách trì hoãn việc triển khai. Tình trạng trên đòi hỏi ngành thuế phải hành động quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khi lộ trình thực hiện HĐĐT đang đến gần.
  • Cuộc tranh luận về chính sách  tỷ giá hối đoái:  Lựa chọn nào cho Việt Nam?
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới. Theo giới chuyên gia, cơ chế này đã phản ánh được phần nào cung - cầu của thị trường nhưng về cơ bản vẫn xoay quanh vấn đề neo tỷ giá. Trên thực tế, việc neo tỷ giá cố định ở một số thời điểm đã giúp thị trường ngoại hối ổn định, giảm hiện tượng đầu cơ và đô-la hóa, hạn chế rủi ro thanh khoản đối với nợ nước ngoài, đặc biệt là neo được kỳ vọng lạm phát cũng như hạn chế được hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ chế tỷ giá này lại khiến đồng Việt Nam lên giá thực mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế và gây thâm hụt thương mại lớn… Các nhận định này của chuyên gia chưa nhận được sự đồng thuận của đại diện NHNN dù cả hai bên đang cùng nỗ lực tìm kiếm một cơ chế tỷ giá có khả năng dung hòa giữa ưu và nhược điểm của cơ chế tỷ giá hiện tại.
  • 11 tháng năm 2017: Kinh tế đạt nhiều kết quả nổi bật
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 01/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017.
  • Khẩn trương đưa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII vào cuộc sống
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Sáng 30/11, tại Hà Nội, sau một ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đã hoàn thành chương trình đề ra.
  • Xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán:  Cần đảm bảo kịp thời, hiệu quả
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật được Quốc hội bàn thảo là mở rộng đối tượng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Thu hút nhà đầu tư chiến lược: Phải linh hoạt mới mong tìm được bạn đồng hành lâu dài