Thống nhất đầu mối quản lý nợ công

(BKTO) - Ngay từ khi bắt đầu sửa đổi Luật Quản lý nợ công, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công đã thu hút sự quan tâm, bàn thảo của giới chuyên môn cũng như các đại biểu Quốc hội với nhiều quan điểm khác nhau. Cho đến phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa qua, quy định này trong Dự thảo Luật cũng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan liên quan.



Đáp ứng yêu cầu đổi mới,cải cách hành chính

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về cơ bản, các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến dự thảo Luật đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Riêng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công, giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau.

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan. Cơ chế quản lý nợ công như hiện nay đã được thực hiện từ nhiều năm và các cơ quan đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài cho NSNN và cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính. “Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công đã đặt ra yêu cầu cần tập trung thống nhất trong quản lý nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn. Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần thể chế hóa chủ trương này để khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay” - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công sẽ không khắc phục được tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, bất cập…

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng: quy định rõ Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành để bảo đảm xác lập rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay; bảo đảm nhất quán trong công tác quản lý, huy động, vay vốn trong nước cũng như vay vốn nước ngoài.

Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện huy động, đàm phán, ký kết hiệp định khung và đàm phán, ký kết các hiệp định cụ thể; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về đầu tư công, đề xuất nhu cầu sử dụng vốn vay cho đầu tư công trong cân đối tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi; Ngân hàng Nhà nước là đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ, phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định vay, thực hiện quản lý ngoại hối theo quy định.

Cần đánh giá lại để đi đến thống nhất

Nhiều ý kiến trong UBTVQH lưu ý, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công hiện đang đi ngược lại xu hướng cải cách bộ máy hành chính. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan điểm, một Bộ có thể làm nhiều việc nhưng một việc không để nhiều Bộ làm. Chúng ta đã hội nhập kinh tế thế giới thì cũng phải hội nhập về quản lý tài chính, tiền tệ. “Có một thực tế là Bộ nào đang làm nhiệm vụ gì mấy chục năm nay thì vẫn muốn làm tiếp. Tôi không nói là các Bộ làm không đúng, nhưng một người đi đàm phán, một người phân bổ vốn, một người cân đối để trả nợ thì trên thế giới rất hiếm quốc gia nào giống Việt Nam” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong báo cáo nêu lý do chưa thống nhất đầu mối quản lý nợ công là để ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan. Lý do này không thuyết phục. Bởi như vậy, không bao giờ chúng ta phát triển, đổi mới được.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá kỹ về tác động của hai phương án, nếu sáp nhập lại một đầu mối quản lý nợ công thì sẽ ra sao? Còn nếu phân bổ chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công như hiện hành thì sẽ như thế nào?

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm việc thêm với nhau trên tinh thần của Nghị quyết 07, đánh giá những mặt được và chưa được trong việc thực hiện phân tán đầu mối quản lý nợ công thời gian qua. Đặc biệt, Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động để xem xét đi đến thống nhất về đầu mối quản lý nợ công.
         
Một Bộ có thể làm nhiều việc nhưng một việc không để nhiều Bộ làm. Chúng ta đã hội nhập kinh tế thế giới thì cũng phải hội nhập về quản lý tài chính, tiền tệ.

NGUYỄN HỒNG
Theo Tuần Báo ra ngày 24-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa còn nhiều bất cập
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong bài tham luận gửi tới Hội thảo quốc tế“Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của KTNN” doKTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức mớiđây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận định: “Xác định giá trị DNtrong cổ phần hóa là công việc hết sức quan trọng và mất nhiều thời gian, quyếtđịnh đến sự thành công khi chuyển DNNN sang công ty cổ phần”.
  • Đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT:  Hướng đi đúng nhưng triển khai còn bất cập
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành cả ngày để tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, khai thác các công trình BOT thời gian qua, UBTVQH cho rằng, việc hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về BOT; đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm toán các dự án BOT… là những giải pháp cần tập trung trong thời gian tới.
  • Trao đổi kinh nghiệm về Kiểm toán hoạt động và Kiểm toán điều tra
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 21/8, tại Hà Nội, KTNN đã khai mạc Khóa đào tạo vềKiểm toán hoạt động (KTHĐ) và Kiểm toán điều tra (KTĐT) do chuyên gia KTNNPakistan giảng dạy.
  • KTNN Việt Nam và KTNN Pakistan thúc đẩy quan hệ hợp tác
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 21/8, tại trụ sở KTNN (111 Trần Duy Hưng, Hà Nội),Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đã tiếp xã giao Đoàn chuyên gia KTNNPakistan do ông MohsanAtta - Chuyên gia cấp cao của KTNN Pakistan làm Trưởng đoàn. Cùng dự có đại diệnlãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế KTNN.
  • Chuẩn bị chu đáo công tác lễ tân, khánh tiết cho Đại hội ASOSAI 14
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 18/8, tại trụ sở KTNN(111 Trần Duy Hưng, Hà Nội), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa - TrưởngTiểu ban Lễ tân - Khánh tiết Đại hội lần thứ 14 Tổ chức các Cơ quan Kiểm toántối cao châu Á (ASOSAI 14) đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban. Tham dựcuộc họp có các thành viên thuộc Tiểu ban.
Thống nhất đầu mối quản lý nợ công