Tháo gỡ vướng mắc về đất đai để thúc đẩy cổ phần hóa

(BKTO) - Một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu cổ phần hóa (CPH) các DNNN chưa đạt được kế hoạch đề ra là do việc hoàn tất các thủ tục về đất đai, xác định giá trị tài sản còn kéo dài, gặp nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ những rào cản này, Bộ Tài chính đang hoàn thiện các quy định về đất đai trước khi CPH.



Doanh nghiệp gặp khó khăn trong xác định giá trị đất đai

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, sẽ có 93 DN thực hiện CPH (hoàn thành việc công bố giá trị DN), trong đó có một số DN lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến nay, mới chỉ có Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông được phê duyệt phương án CPH. Như vậy, năm 2020 còn 92 DN sẽ phải hoàn thành việc công bố giá trị DN, trong đó, TP. HCM có 38 DN và Hà Nội có 13 DN.

Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Lũy kế giai đoạn 2016-2019, có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, chỉ đạt 28% kế hoạch. Như vậy, tiến độ CPH các DN còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.

Một trong những nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do hầu hết DN thuộc diện CPH đều đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Quá trình này đòi hỏi các địa phương, DN, đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn lớn có hàng trăm cơ sở đất đai ở hàng chục tỉnh, thành phải thực hiện rà soát, kiểm tra chặt chẽ các quy định, bố trí thời gian làm việc với nhiều đơn vị thành viên. Đơn cử, Tổng công ty Lương thực miền Bắc phải làm việc với 22 đơn vị đang sở hữu gần 250 mảnh đất tại 25 địa phương; VINACHEM hiện có 2 đơn vị trực thuộc công ty mẹ, 2 đơn vị sự nghiệp, 3 DN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý nhiều đất đai tại các địa phương; VNPT có hàng nghìn mảnh đất trên 63 tỉnh, thành; Agribank có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2 trên cả nước, nguồn gốc đất lại đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Điều đó dẫn tới việc hoàn tất thủ tục về đất đai, xác định giá trị tài sản của DN trước khi CPH mất nhiều thời gian, gặp không ít vướng mắc.

Sẽ tách bạch phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật

Để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, trong đó có vấn đề đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, đại diện Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định dự kiến sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong quý I/2020.

Dự thảo Nghị định sẽ tách bạch phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất khi CPH của DN. Trên tinh thần đó, Nghị định sẽ hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời, Dự thảo bổ sung quy định để giúp DN CPH, cơ quan đại diện chủ sở hữu và địa phương (nơi DN có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền đối với diện tích đất của DN sử dụng khi CPH. Theo đó, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt; nhu cầu sử dụng đất của DN theo phương án sử dụng đất khi CPH; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), các địa phương có ý kiến về diện tích đất trên địa bàn mà DN tiếp tục sử dụng khi CPH. Sau đó, chủ sở hữu DN sẽ phê duyệt phương án này.

Các địa phương cũng cần có ý kiến thống nhất phương án sử dụng đất đối với các diện tích không có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có ý kiến về: sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), hình thức, mục đích sử dụng đất đối với các diện tích đất có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt và các diện tích đất DN được giao, nhận chuyển nhượng, thuê đất hợp pháp phát sinh từ sau thời điểm phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt đến thời điểm xác định giá trị DN (nếu có).

Trường hợp đề xuất phương án sử dụng đất khi CPH chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có) hoặc khác với mục đích sử dụng đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt thì DN phải điều chỉnh lại phương án sử dụng đối với các diện tích đất này cho phù hợp. Trường hợp DN không điều chỉnh lại phương án sử dụng các diện tích đất này thì phải trả lại Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.

Dự thảo cũng quy định, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (nơi DN có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) chịu trách nhiệm chỉ đạo, khẩn trương có ý kiến về diện tích đất DN sẽ tiếp tục sử dụng khi CPH và giá đất cụ thể theo quy định về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị DN…

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Tháo gỡ vướng mắc về đất đai để thúc đẩy cổ phần hóa