Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Tham nhũng gắn liền với quyền lực và tài sản công. Từ các quy định của Hiến pháp năm 2013, có thể thấy, Quốc hội đóng vai trò quan trọng và cao nhất trong việc kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói riêng. Tuy nhiên, thiết chế của Quốc hội chưa thể hiện rõ quyền và khả năng thực thi quyền này một cách thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, theo Luật PCTN năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019), Quốc hội không có chức năng trực tiếp PCTN mà Điều 7 của Luật này chỉ quy định quyền giám sát công tác PCTN.



Theo Điều 118 Hiến pháp năm 2013: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Điều 9 Luật KTNN năm 2015 quy định: “KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Như vậy, KTNN có chức năng, nhiệm vụ và vai trò rất quan trọng trong kiểm soát quyền lực, đặc biệt là quyền lực kinh tế - tài chính nói chung, PCTN nói riêng, bởi lẽ hoạt động của KTNN gắn bó chặt chẽ với vấn đề quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính công.

Chính vì vậy, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) đã giao cho KTNN thêm trách nhiệm lớn hơn trong PCTN. Cụ thể, Luật này bổ sung khoản 2a vào Điều 3: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 10: “Xem xét, quyết định việc kiểm toán trong trường hợp theo quy định của Luật PCTN” và khoản 6a, Điều 10: “Thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của Luật PCTN”; bổ sung khoản 4a vào Điều 13: “Ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng”. Đặc biệt, Luật đã khẳng định vai trò của KTNN khi bổ sung Điều 64a về quan hệ giữa cơ quan thanh tra và KTNN: “Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, KTNN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý”.

Tóm lại, KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong vấn đề kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, từ đó, KTNN là công cụ quan trọng để PCTN - tội phạm dựa trên quyền lực không được kiểm soát và nhắm đến tài sản công. Tuy nhiên, thực tế, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, PCTN nói riêng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp cũng như chưa được thể hiện rõ ràng, hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò đó. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng vai trò cũng như thể chế để KTNN thực hiện kiểm soát quyền lực, PCTN là rất quan trọng và cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống quyền lực của Việt Nam, góp phần tích cực PCTN. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã góp phần khẳng định và củng cố vai trò đặc biệt quan trọng này của KTNN.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước phòng, chống tham nhũng