Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn

(BKTO) - Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước hiện đang bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất ban hành Nghị định Hướng dẫn về vấn đề này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương chi đầu tư phát triển.




Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH DNNN còn chưa thống nhất.Ảnh: TTXVN

Khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng nguồn thu chưa thống nhất

Hiện nay, toàn bộ nguồn thu từ sắp xếp, CPH DNNN, DN do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước được thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN (Quỹ) để chi cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và chi chuyển vào NSNN để đầu tư phát triển. Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2019, Quỹ đã chuyển vào NSNN 205.000 tỷ đồng để chi đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước đang bị điều chỉnh bởi các nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, gây vướng mắc trong thực hiện. Theo quy định của Luật NSNN năm 2015, các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc T.Ư hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách trung ương (NSTƯ) hoặc ngân sách địa phương (NSĐP). Việc thu vào NSNN sẽ được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật NSNN. Trong khi đó, theo văn bản quy phạm pháp luật về CPH và quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN, khoản thu này được thu về Quỹ để quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước được nộp vào NSTƯ (thông qua Quỹ) và các địa phương đang thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đồng ý hoặc đang xem xét để lại nguồn thu này tại một số địa phương như: TP. HCM, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.

Hơn nữa, công tác quản lý thu, đối chiếu nợ Quỹ vẫn phụ thuộc khối cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các địa phương và hiệu quả không cao (khó xử lý dứt điểm các khoản nợ Quỹ của DN địa phương). Vấn đề này đã được KTNN nêu trong Báo cáo kiểm toán tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN giai đoạn 2011-2017: “Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương quyết toán và chỉ đạo các đơn vị liên quan nộp tiền về Quỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc quyết toán và chuyển số dư về Quỹ theo đúng quy định vẫn chưa được xử lý dứt điểm... Một số tổng công ty, công ty thuộc UBND các tỉnh, thành phố có phát sinh tiền thu CPH, thoái vốn nhà nước nhưng chưa nộp về Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2017 là 346,38 tỷ đồng; đến ngày 31/12/2018 là 575,46 tỷ đồng...”.

Thu trực tiếp về NSNN, địa phương được chuyển các khoản chưa nộp vào NSĐP

Căn cứ vào thực trạng trên, Bộ Tài chính đề xuất ban hành Nghị định Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước theo hướng thay đổi mô hình quản lý, sử dụng nguồn thu, từ thu về Quỹ như hiện nay sang thu trực tiếp về NSNN, phân cấp thu giữa NSTƯ và NSĐP theo quy định của Luật NSNN. Theo đó, có 2 nhóm nguồn thu: Thứ nhất, nguồn thu từ sắp xếp, CPH (gồm đơn vị SNCL), thoái vốn nhà nước tại DN do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp NSTƯ. Nguồn thu từ sắp xếp, CPH (gồm đơn vị SNCL), thoái vốn nhà nước tại DN do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư làm đại diện chủ sở hữu được nộp về NSĐP.

Thứ hai, các khoản thu về NSNN theo phân cấp T.Ư và địa phương gồm: các khoản thu về chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước (thu từ CPH DN, đơn vị SNCL; thu từ các hình thức sắp xếp, chuyển đổi khác của DNNN; thu từ thoái vốn nhà nước tại DN); các nguồn thu khác có liên quan, bao gồm cả khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của DNNN không có kế hoạch đầu tư trong tương lai và khoản tiền lãi chậm nộp (nếu có).

Theo Bộ Tài chính, nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN, thoái vốn nhà nước sau khi nộp vào NSNN được ưu tiên bố trí dự toán chi cho các khoản chi thường xuyên để bù đắp, hỗ trợ cho quá trình CPH, thoái vốn nhà nước và các khoản chi đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính cũng đề xuất hoàn trả NSĐP số tiền đã nộp về Quỹ theo hướng: Chuyển thu vào NSĐP các khoản phải thu của Quỹ (bao gồm cả các khoản phải thu Quỹ chưa hạch toán, theo dõi) từ chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước của các DN, đơn vị SNCL thuộc địa phương đã nộp về Quỹ từ ngày 01/01/2017 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Số tiền hoàn trả cho từng địa phương từ Quỹ là số chênh lệch giữa số thu và số đã chi từ Quỹ. Việc hoàn trả NSĐP phải hoàn thành trong thời gian tối đa 60 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực…

Đối với các khoản nợ phải thu, tài sản của Quỹ tại thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành, Bộ này đề nghị chuyển thu vào NSĐP các khoản phải thu của Quỹ (gồm các khoản phải thu Quỹ chưa hạch toán, theo dõi) từ chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước của các DN, đơn vị SNCL thuộc địa phương; chuyển thu vào NSTƯ đối với các khoản phải thu còn lại của Quỹ…

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra quy định miễn lãi chậm nộp đối với: DN có kết quả kinh doanh thua lỗ và còn lỗ lũy kế đến thời điểm được xem xét miễn lãi chậm nộp; DN đã sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế thu nhập DN và các khoản bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp (nếu có) nhưng không đủ để bù đắp khoản lãi chậm nộp...

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn