Tăng năng suất lao động - “chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(BKTO) - Trao đổi với Báo Kiểm toán bên lề Hội thảo “Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia” diễn ra mới đây, PGS,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - đã có những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh vấn đề tăng NSLĐ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.



Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng NSLĐ của Việt Nam trong vài năm gần đây?

- NSLĐ trong những năm gần đây đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng tính chung trong giai đoạn 2008-2016, NSLĐ tăng trưởng thêm 22,5% là con số không cao. Thậm chí, nếu so sánh, NSLĐ của Việt Nam đang ở mức rất thấp trong khu vực ASEAN và cách xa so với các nước châu Á phát triển khác. NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan… Điều này bắt nguồn từ vốn, môi trường làm việc, điều kiện làm việc và mật độ sử dụng công nghệ của Việt Nam còn thấp, cũng như tay nghề, kỹ năng của lao động chưa được cao. Nó cũng giải thích vì sao thu nhập của chúng ta trong nhóm thấp nhất khu vực ASEAN.

Ngành nông nghiệp có NSLĐ thấp nhất trong các nhóm ngành tại Việt Nam - Ảnh: G. Huy

Xét ở góc độ nội tại nền kinh tế, NSLĐ giữa các ngành cũng có sự chênh lệch lớn. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Đối với các DN, NSLĐ của khu vực DNNN cao hơn và tạo khoảng cách xa so với khu vực DN tư nhân. Điều này được lý giải là do khu vực này được hưởng ưu đãi lớn về vốn, công nghệ và đặc biệt là độc quyền về thị trường, vì thế, đầu ra của DNNN tốt hơn. Khu vực DNNN sử dụng lực lượng lao động nhỏ và có xu hướng tinh gọn theo lộ trình giảm biên chế và tái cơ cấu. Ngược lại, khu vực DN tư nhân hấp thụ phần lớn lực lượng lao động nhưng lại thiếu thốn đủ thứ khiến cho năng suất bình quân của khu vực này rất thấp. Đây là thực trạng đáng báo động, bởi khu vực này sử dụng lao động lớn nhất của nền kinh tế.

♦ Tác động của NSLĐ đối với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực trạng này tại Việt Nam ra sao, thưa ông?

- Năng lực cạnh tranh quốc gia được hiểu là tổng hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và tính năng suất của một quốc gia. Như vậy, năng suất là đích đến của các chính sách điều hành, quản lý và đây là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. NSLĐ của các thành phần kinh tế, của mỗi DN, mỗi lao động góp phần quyết định sự lớn mạnh của nền kinh tế.

Theo công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, tiêu chí đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất. NSLĐ thấp khiến chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm qua bị đánh giá là giảm bậc (trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia).

Trên thực tế, những năm gần đây, NSLĐ của Việt Nam có tăng song chủ yếu vẫn theo chiều rộng mà chưa theo chiều sâu. Cụ thể, khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ thì phần lớn lao động Việt Nam cũng chuyển dịch theo chiều ngang. Nghĩa là nông dân chuyển qua làm công nhân mà chưa có sự tập trung, đi sâu vào cải thiện NSLĐ trong nội tại từng ngành kinh tế. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra và thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt vấn đề xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững thông qua việc tăng NSLĐ. Khi việc tăng năng suất được thực hiện sẽ kéo theo sự chuyển dịch nội ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung.

♦ Ông có nhắc đến việc tăng NSLĐ phải thực hiện ở cấp độ quốc gia, tạo thành các phong trào tăng NSLĐ một cách sâu rộng, thực chất. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Chúng ta cần thay đổi từ tư duy tới hành động, tạo đột phá trong trong vấn đề tăng NSLĐ, nếu không sẽ bị tụt hậu mãi mãi. Việt Nam cần phải xây dựng phong trào tăng năng suất giống như Nhật Bản đã từng làm sau thế chiến thứ 2 cũng như Singapore đã làm đầu thập niên 1960. Do đó, chúng tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có một tổ chức đầu mối, tập trung, thống nhất giải quyết vấn đề năng suất. Cách làm không chỉ ở cấp địa phương hay DN mà phải là cấp quốc gia, thay đổi từ khu vực nhà nước đến khu vực DN, hộ gia đình.

Dĩ nhiên, thách thức trong việc tăng NSLĐ mà Việt Nam phải đối mặt và giải quyết cũng không nhỏ. Điển hình như việc lực lượng lao động giá rẻ không có kỹ năng của Việt Nam vẫn chiếm số lượng rất lớn, đang bị nằm kẹt trong khu vực nông thôn và không thể nào dịch chuyển sang ngành có NSLĐ cao hơn. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta cũng không nên quá lạc quan về một giải pháp, biện pháp cụ thể để giải quyết được ngay vấn đề này. Thay vào đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh hoặc là tích lũy vốn, mở rộng sản xuất cho khu vực tư nhân để họ có sự phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định đây là quá trình đòi hỏi thời gian dài và cần có tầm nhìn cũng như cần có sự tham gia tích cực của các ngành, các thành phần kinh tế và bản thân mỗi người lao động.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 28-3-2019
Cùng chuyên mục
Tăng năng suất lao động - “chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia