Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần tôn trọng luật pháp

(BKTO) - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế… Tuy nhiên, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN và Thanh tra Nhà nước vẫn là một trong những “điểm vướng” trong Dự thảo Luật, khiến nhiều đại biểu băn khoăn.




Các đại biểu thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) - Ảnh: TRỌNG ĐỨC - TTXVN
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu quan điểm: Trong khi chúng ta phải chắt chiu từng đồng thì hiện nay, nợ thuế khoảng 82.800 tỷ đồng; tình trạng thất thu thuế cũng rất lớn, hậu kiểm của cơ quan thuế mới thực hiện được khoảng 18%, phần còn lại gần như chưa được kiểm soát. Năm 2017, KTNN đối chiếu thuế tại hơn 2.000 DN thì vi phạm 94%; năm 2018, kiểm toán đối chiếu khoảng 2.700 DN thì có đến 95% trường hợp vi phạm. Vì vậy, việc sửa đổi Luật lần này là cơ hội để siết chặt quản lý, chống thất thu ngân sách.

Liên quan đến quy định tại Khoản 3, Điều 119 của Dự thảo Luật “Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, đại biểu Hùng cho rằng, quy định này là trái với quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Hùng phân tích: Hiến pháp quy định KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Dưới Hiến pháp, Luật NSNN, Luật KTNN cũng quy định, tất cả các vấn đề liên quan đến tiền, ngân sách thì KTNN phải chịu tránh nhiệm kiểm toán. “Kiểm toán thu NSNN tức là kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan thuế. Vì vậy, không thể nói là thực hiện theo kết luận của cơ quan thuế mà phải theo kết luận của KTNN” - đại biểu Hùng nói.

Mặt khác, theo quy định của Luật KTNN thì kết luận kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện. Về mặt thực tiễn, Quốc hội cũng đang sử dụng báo cáo kiểm toán của KTNN để xem xét sửa đổi các quy định về thuế. Vì vậy, đại biểu Hùng đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét, bỏ ngay Khoản 3, Điều 119 và Khoản 4, Điều 110 trong Dự thảo Luật.

Cũng nhấn mạnh quy định pháp luật về đối tượng kiểm toán của KTNN, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, KTNN kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nghĩa là ở đâu có tài chính công, tài sản công là ở đó phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý, sử dụng, bao gồm toàn bộ các hoạt động từ quá trình hình thành nguồn đến các hoạt động quản lý, sử dụng. Thuế là nguồn thu của NSNN nên nghĩa vụ nộp thuế cần phải được kiểm toán.

Cùng đề cập đến quy định này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) băn khoăn, nếu quy định như Dự thảo Luật thì ai là trọng tài để khẳng định cơ quan quản lý thuế đúng hay KTNN đúng, vấn đề này Luật cần quy định rõ. Theo đại biểu Hiền, xét về địa vị pháp lý, Hiến pháp đã quy định KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện nhiệm vụ theo Hiến pháp, pháp luật, vì vậy, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên có quan điểm tôn trọng luật pháp.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (Nam Định) thì thẳng thắn nêu quan điểm: Cơ quan thuế căn cứ vào đâu để cho rằng số liệu của cơ quan thuế trúng, đúng hơn số liệu của kiểm toán và thanh tra mà đề nghị lấy số liệu của thanh tra thuế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định? Rõ ràng quy định như vậy là trái với Luật KTNN và Luật Thanh tra.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra và cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng, cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Trường hợp đối tượng nộp thuế hay cơ quan thuế cho rằng kết luận đó không đúng thì có quyền khiếu nại và có thể kiện ra tòa.

Cùng với đó, Dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ các quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế. Theo các đại biểu, Dự thảo Luật đã bỏ quy định “về xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với cơ quan quản lý thuế” (Điều 112) và “xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với công chức quản lý thuế” (Điều 113) trong Luật hiện hành, trong khi vẫn giữ quy định “về hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân có liên quan” (Điều 146 Dự thảo Luật) là chưa đảm bảo tính thống nhất và công bằng trong xử lý vi phạm về thuế giữa các đối tượng. Đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định: Trường hợp cơ quan thuế đã quyết toán thuế, thanh tra thuế nhưng khi thanh tra, kiểm toán vẫn phát hiện sai phạm thì người thực hiện thanh tra, quyết toán thuế, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề xuất, Luật Thuế cần quy định rõ, cơ quan thuế chịu trách nhiệm về các số liệu tính toán tại DN. Trong trường hợp các cơ quan kiểm toán, thanh tra thấy nghi vấn về những số liệu này, cơ quan thuế phải phối hợp với các DN để cung cấp thông tin. “Cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm và giới hạn của cơ quan thuế trong Dự thảo Luật lần này” - đại biểu Lâm kiến nghị.

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018
Cùng chuyên mục
Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần tôn trọng luật pháp