Sửa đổi Luật Đầu tư: Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp

(BKTO) - Ngày 23/3, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… là nội dung được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận.




Việc đăng ký thành lập DN hiện đã được thông thoáng hơn nhiều năm trước. Ảnh tư liệu

Giữ nguyên phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư hiện hành

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên danh mục các chất ma túy, danh mục các hóa chất, khoáng vật và danh mục động, thực vật hoang dã cấm đầu tư kinh doanh (theo quy định tương ứng tại các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư), không giao Chính phủ quy định chi tiết và bổ sung quy định cho phép UBTVQH sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, tránh áp dụng tùy tiện. Có ý kiến nhất trí với quan điểm của Chính phủ, bỏ phụ lục 1, 2, 3 và cho rằng quy định cứng tại phụ lục sẽ dẫn đến cứng nhắc, trong trường hợp cần thay đổi thì lại phải sửa luật.

Về vấn đề này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nguyên các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, Dự thảo Luật đã quy định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo thủ tục rút gọn.

Ủng hộ quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc thiết kế Điều 6 (ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh), Điều 7 (ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) và Điều 8 (sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) trong Luật Đầu tư là một bước tiến bộ. Điều đó thể hiện tinh thần của Hiến pháp là mọi người dân có quyền tự do kinh doanh mọi ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy, ông Giàu đề nghị giữ nguyên phụ lục 1, 2 và 3 như Luật hiện hành, chỉ thay đổi nội hàm bên trong, bổ sung thêm phụ lục 1, 2, 3; bổ sung thêm hoặc rút bớt danh mục kinh doanh có điều kiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tiếp tục nghiên cứu để giữ phụ lục 1, 2, 3 của Luật Đầu tư hiện hành. Còn việc sửa đổi, bổ sung các phụ lục này có thể thực hiện tại bất kỳ kỳ họp nào và thủ tục rất đơn giản, trên cơ sở rà soát lại quy định danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến trong UBTVQH tán thành Dự thảo Luật bãi bỏ 12 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; bổ sung, sửa đổi 19 ngành, nghề; bổ sung thêm 6 ngành, nghề để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội và một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ việc bổ sung vào danh mục này những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để tránh khi sửa đổi có thể phát sinh các thủ tục không cần thiết.

Tiếp tục cân nhắc việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Cũng tại phiên thảo luận, việc nên hay không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ được nhiều đại biểu đề cập với những ý kiến khác nhau. Báo cáo UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong khi Chính phủ vẫn giữ quan điểm cần phải cấm.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với Ủy ban Kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, trong điều kiện hiện nay, dịch vụ đòi nợ đang là yêu cầu thực tế, dù không ít trường hợp lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm, cưỡng đoạt tài sản.

Nguyên nhân của việc biến tướng này là do chưa thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. “Tôi nhất trí quan điểm không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng phải tiếp tục quy định tại danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành và phải nghiên cứu bổ sung quy định với những điều kiện chặt chẽ đối với DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này để khắc phục những biến tướng đã xảy ra trong thực tế. Không phải vì quản lý không được nên chúng ta cấm”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đồng tình quan điểm nên coi dịch vụ đòi nợ là cơ chế của thị trường, không nên cấm mà cần ban hành các chế tài để quản lý tốt hơn để hạn chế các tác động tiêu cực. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì đây là quan hệ dân sự, đã có những thiết chế để giải quyết vấn đề này khi xảy ra tranh chấp, như: trọng tài, tòa án, hòa giải, do đó không nên qua trung gian là một tổ chức đòi nợ thuê.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau nên vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu chuyên trách và các đoàn đại biểu Quốc hội, nếu cần thiết có thể đưa ra Quốc hội dùng phiếu xin ý kiến để quyết định.
Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Sửa đổi Luật Đầu tư: Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp