Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - KTNN vừa có Văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) một điều về kiểm toán môi trường (KTMT) do KTNN thực hiện. Đây là yêu cầu phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi từ thực tiễn hoạt động KTMT của KTNN những năm qua.




Những năm gần đây, KTNN đã từng bước tổ chức thực hiện KTMT. Ảnh: M.Thúy

Đáp ứng yêu cầu của hiến định và đòi hỏi từ thực tiễn

Với vai trò là cơ quan hiến định độc lập, KTNN có trách nhiệm KTMT để phục vụ Quốc hội giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) của các cơ quan quản lý chức năng, giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và BVMT, hướng tới phát triển bền vững.

Vì vậy, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật, KTNN đã đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Điều 168. KTMT do KTNN thực hiện tại “Chương XIV. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nai, tố cáo môi trường” (nên đặt ngay sau Điều 167. Kiểm tra, thanh tra về BVMT và trước Điều 168. Xử lý vi phạm của Dự thảo Luật).

Theo KTNN, hiện nay, Điều 75. KTMT thuộc “Mục 1. Quy định chung về quản lý chất thải”, “Chương VI. Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác” là không phù hợp và làm giới hạn KTMT chỉ trong phạm vi chất thải. Trong khi đó, phạm vi KTMT rất rộng, do thành phần cấu tạo nên môi trường và những ảnh hưởng đến môi trường là đa dạng.

Kiến nghị này của KTNN là căn cứ vào các quy định pháp lý. Trước hết, cần khẳng định, môi trường là tài sản công. Theo quy định tại khoản 36, Điều 3 của Dự thảo Luật, “Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác”. Khoản 11, Điều 3, Luật KTNN xác định: “Tài sản công bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác…”. Khoản 1, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: ...đất đai và các tài nguyên khác”.

Bên cạnh đó, nguồn lực BVMT là tài chính công. Theo Điều 151, 152, 153 và 154, Dự thảo Luật quy định nguồn lực về BVMT là từ NSNN, tín dụng xanh, trái phiếu xanh và Quỹ BVMT. Đây là các nguồn lực tài chính công theo quy định tại khoản 10, Điều 3, Luật KTNN.

Điều 118 Hiến pháp và Điều 4 Luật KTNN quy định rõ tài chính công, tài sản công là đối tượng kiểm toán của KTNN. Điều 14, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành cũng quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Như vậy, môi trường là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Cùng với đó, thực tiễn những năm qua cho thấy, KTNN đã từng bước thực hiện KTMT. Những cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường do KTNN thực hiện có thể kể đến: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Công năm 2012 (cuộc kiểm toán song song với 5 cơ quan KTNN: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam); các cuộc kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và gần đây là các cuộc kiểm toán về công tác quản lý và xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, nhập khẩu phế liệu, quản lý và sử dụng túi ni lông ở TP. HCM… Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, KTNN còn chỉ ra hàng loạt sai phạm của các DN, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường; bịt lỗ hổng nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường (sửa đổi, bổ sung 9 văn bản; hủy bỏ 1 văn bản và ban hành mới 8 văn bản).

Bởi vậy, theo KTNN, việc đưa hoạt động kiểm toán vào Luật BVMT (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN thực hiện tốt hơn vai trò đã được hiến định.

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Bên cạnh các căn cứ pháp lý và đòi hỏi thực tiễn, đề xuất của KTNN còn xuất phát từ kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Kết quả khảo sát của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) chỉ ra rằng, hầu hết các cơ quan KTNN thuộc INTOSAI đều có chức năng pháp lý về thực hiện kiểm toán môi trường, trong đó, kiểm toán hoạt động chiếm 93%, kiểm toán tuân thủ chiếm 88% và kiểm toán tài chính chiếm 87%. Điều này cho thấy, KTMT là một hoạt động không thể thiếu của các cơ quan KTNN trên thế giới.

Kết quả khảo sát của Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI còn chỉ ra rằng, hơn 50% cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đã đưa chức năng, nhiệm vụ KTMT vào Hiến pháp, các luật và một số văn bản dưới luật. Đơn cử, ở Zambia, Hiến pháp quy định Tổng Kiểm toán môi trường có nhiệm vụ thực hiện các cuộc KTMT đối với các cơ quan, tổ chức của nhà nước và tư nhân. Tại Fiji, Luật Quản lý môi trường có một điều khoản riêng về KTMT, trong đó quy định rõ KTNN thực hiện kiểm toán đối với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; việc quản lý tài nguyên, khoáng sản; việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính công; việc khai thác động, thực vật có khả năng tái tạo hoặc không tái tạo... Còn tại Kenya, Luật Quản lý môi trường có một điều khoản riêng quy định về kế toán và kiểm toán trong quản lý môi trường. Theo đó, các cơ quan quản lý phải gửi báo cáo tài chính đến KTNN trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Hệ thống tài khoản của cơ quan quản lý môi trường phải được kiểm toán và báo cáo theo quy định của Luật Đánh giá và Kiểm toán bởi KTNN hoặc một đơn vị kiểm toán được cơ quan KTNN chấp thuận.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới như: KTNN Trung Quốc, KTNN Canada... đã thành lập một Vụ chuyên biệt về KTMT. Chẳng hạn, KTNN Canada đã thành lập Vụ chuyên biệt về Môi trường và Phát triển bền vững. Theo đó, Vụ có trách nhiệm theo dõi các vấn đề môi trường đang được xã hội quan tâm trên các phương tiện thông tin truyền thông và kiến nghị của tổ chức, cá nhân gửi đến thông qua hệ thống kiến nghị trực tuyến. Người đứng đầu Vụ sẽ báo cáo trực tiếp Tổng Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề môi trường nổi cộm cũng như kế hoạch và chủ đề các cuộc KTMT dự kiến thực hiện nhằm đánh giá trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có chức năng về môi trường, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và BVMT.

Như vậy, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ KTMT của KTNN vào Luật BVMT (sửa đổi) năm 2020 là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho KTNN phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong công tác KTMT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
XUÂN HỒNG
Cùng chuyên mục
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước