Siết chặt việc cho vay lại vốn vay ưu đãi

(BKTO) - Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 siết chặt hơn điều kiện cho vay lại vốn vay ưu đãi. Các khoản vay mới của đơn vị chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá khả năng trả nợ trong trung hạn. Trách nhiệm của địa phương là phải kiểm soát rủi ro ngay từ khâu lập kế hoạch đầu tư công, về hạn mức nợ cũng như hiệu quả của dự án…



Cho vay lại vốn vay ưu đãi - Nhà nước chịu nhiều rủi ro

Trao đổi với báo chí, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết: Trước đây, do hầu hết các khoản vay vốn ODA của Việt Nam được vay lâu dài với lãi suất thấp nên Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã quy định các hình thức cho vay như: cho vay đến dự án thông qua các ngân hàng được uỷ quyền; cho vay theo chương trình, tức là Nhà nước huy động vốn sau đó cho các ngân hàng vay lại để các đơn vị này cho các dự án vay cũng với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã “tốt nghiệp” IDA (không được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới nữa) và các khoản vay đều tiến sát thị trường. Như vậy, khả năng Nhà nước lo cho toàn bộ nền kinh tế thông qua việc cung cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn hơn trước. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã hội nhập sâu rộng, nếu Chính phủ tiếp tục cung cấp nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước để các tổ chức này cho vay theo thị trường thì sẽ tạo ra sự xung đột với các quy định và gây ra sự bất bình đẳng giữa ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, trước đây, Việt Nam cũng đã quy định về việc cho vay lại. Tuy nhiên, quy định cho vay lại đối với các tổ chức, các dự án thông qua ngân hàng mới chủ yếu thực hiện theo hình thức Nhà nước chịu rủi ro. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 10 năm (từ năm 2005 đến năm 2015), Việt Nam đã huy động được 45 tỷ USD, trong đó, cho vay lại 15 tỷ USD, còn lại 30 tỷ USD là cấp phát. Với quy định như vậy, Nhà nước gần như chịu rủi ro tín dụng đối với toàn bộ 15 tỷ USD này.

Một vấn đề khác, theo quy định, vay bằng đồng tiền nào trả bằng tiền đó, trong trường hợp không trả được có thể trả bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá hạch toán của Ngân hàng Nhà nước. Điều này tạo thuận lợi cho người vay nhưng Chính phủ sẽ chịu toàn bộ rủi ro tỷ giá bởi khi các dự án trả bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá hạch toán thì giữa hạch toán NSNN và giá trị thị trường có khoảng cách khá xa. Hơn nữa, thời điểm đó, các ngân hàng được uỷ quyền cho vay chỉ thực hiện mỗi việc giải ngân, thu nợ và được hưởng phí nhưng lại không chịu rủi ro…

Gắn trách nhiệm của các địa phương trong vay vốn ưu đãi

Trong bối cảnh hiện nay, các khoản nợ của địa phương nói riêng và các khoản nợ công nói chung có điều kiện vay sát với thị trường, thậm chí, nhiều khoản vay có lãi suất thả nổi. Trách nhiệm của địa phương là phải kiểm soát rủi ro ngay từ khâu lập kế hoạch đầu tư công, về hạn mức nợ cũng như đánh giá tác động của nợ công đối với các khoản vay, đánh giá hiệu quả dự án và các thành tố ưu đãi, không cho vay lại các dự án không có đánh giá hiệu quả sử dụng vốn.

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - nhấn mạnh: Nguyên tắc cơ bản trong Luật Quản lý nợ công năm 2017 là không chuyển tài khoản vay lại thành cấp phát NSNN. Các địa phương phải khớp nối được việc đầu tư xây dựng cơ bản với ngân sách và khớp nối được với T.Ư về vấn đề đàm phán đi vay. Khi vay mới, địa phương phải gửi Bộ Tài chính kế hoạch chi tiết về: tỷ lệ xin cấp phát vốn, tỷ lệ vay lại, nguồn trả nợ và lộ trình giải ngân hằng năm. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá tác động đến nợ công, mức bội chi của địa phương, khả năng quản lý rủi ro và các quy định về phí dự phòng rủi ro... sau đó mới trình Chính phủ phê duyệt, quyết định đầu tư và tiến hành đàm phán, ký kết các khoản vay.

Để đảm bảo cân đối, bình đẳng và gắn với trách nhiệm của người sử dụng vốn vay, Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã quy định đối với các khoản vay nước ngoài cho vay bằng đồng tiền nào thì phải trả nợ bằng đồng tiền đó hoặc bằng đồng Việt Nam nhưng phải theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng Ngoại thương.

Đồng thời, Luật còn siết chặt hơn việc cho vay lại. Cụ thể, Nhà nước chỉ chịu rủi ro đối với các đối tượng, các chương trình được Chính phủ ưu tiên và việc cho vay này được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng chính sách còn các NHTM thực hiện việc cho vay lại theo nguyên tắc thị trường và phải chịu rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc các NHTM phải “ứng xử” với các dự án giống như khi dùng nguồn vốn huy động được để cho vay. Đó là NHTM phải đánh giá, thẩm định dự án, giải ngân, kiểm soát các khoản giải ngân, tài sản đảm bảo, có quyền trích các khoản nợ, trích dự phòng rủi ro…

Ông Trương Hùng Long cho biết thêm, cùng với các quy định nói trên, các đơn vị cho vay lại cần lưu ý rằng, các khoản vay sẽ mang tính thương mại nhiều hơn, sát thị trường hơn còn đơn vị đi vay phải tính toán thận trọng hơn khả năng hoàn trả, hiệu quả sử dụng vốn và mức độ rủi ro. Điểm lưu ý tiếp theo là mỗi dự án còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật NSNN, Luật Đầu tư công về các vấn đề như: kế hoạch năm, kế hoạch trung hạn, bội chi ngân sách T.Ư và địa phương, hạn mức nợ… Hơn nữa, các địa phương khi xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2019 phải lưu ý đến việc xây dựng kế hoạch giải ngân của các khoản vay nước ngoài vì khoản này gắn liền với bội chi của địa phương.

Để triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công, đại diện Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị phổ biến Luật, Bộ sẽ tổ chức các đoàn giám sát nhằm nắm bắt tình hình triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương để vừa hướng dẫn, vừa tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời sẽ tổng hợp các vấn đề phát sinh để báo cáo Chính phủ.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Xây dựng chiến lược và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể về huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với điều kiện nguồn vốn ODA; siết chặt kỷ luật tài chính; giảm cấp phát, tăng cường cho vay lại; đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán, giám sát… là những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài trong giai đoạn tới, được đưa ra từ kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
  • Không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không muốn rời bỏ quyền lợi” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khi công bố Báo cáo về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính - xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng và được Thủ tướng đánh giá rất cao.
  • Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - "Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội", đó là đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
  • Thủ tướng: Không ôm đồm, tạo thuận lợi cho địa phương giải ngân vốn đầu tư công
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ sáng 16/8, trong phần thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thẩm tra, thẩm định, quyết định, tránh chồng chéo với tinh thần “không để một việc mà phải báo cáo cả 2 bộ hoặc nhiều bộ”.
  • Giám sát ngân sách, các dự án BT, BOT: Vai trò của cộng đồng còn hạn chế
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Việc giám sát của của cộng đồng thông qua cơ quan mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên vẫn chưa chạm được tới lĩnh vực ngân sách cũng như các dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, BT.
Siết chặt việc cho vay lại vốn vay ưu đãi