Sáp nhập các chi cục thuế - Hướng đi nào phù hợp cho các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương?

(BKTO) - Năm 2020, KTNN sẽ thực hiện các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương theo kế hoạch đã phê duyệt. Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán này sẽ được triển khai như thế nào cho phù hợp với bối cảnh ngành thuế đã và đang sắp xếp, hợp nhất nhiều chi cục thuế?




Ảnh: TTXVN

Giảm 227 chi cục thuế

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2019, cơ quan thuế các cấp đã cắt giảm được 89 đầu mối cấp phòng, giảm 1.792 đầu mối cấp đội; sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế cấp huyện thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đối với 433 chi cục thuế để thành lập 206 chi cục thuế, giảm 227 chi cục thuế. Số chi cục thuế trong cả nước đã giảm từ 711 xuống còn 484 chi cục. Việc hợp nhất đã diễn ra ổn định, thuận lợi, tạo được sự đồng thuận; các đơn vị thuộc diện sắp xếp, hợp nhất đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng trong năm 2019.

Kết quả đạt được trên đã góp phần thiết thực vào việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch triển khai, sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Việc làm này còn giúp giảm đầu mối chi cục thuế, góp phần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành thu, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách trên các địa bàn. Đồng thời, đây sẽ là nhân tố tác động trở lại đối với ngành thuế, qua đó, đặt ra bài toán cho toàn ngành là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý, hướng tới cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế…

Theo lộ trình đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, đến hết năm 2020, số chi cục thuế sẽ giảm xuống còn 420 chi cục. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế sẽ phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu này. Dự kiến, trong quý I/2020, số chi cục thuế sẽ giảm còn dưới 420 chi cục, giảm nhiều hơn so với kế hoạch đã đề ra.

Chủ động phương án tổ chức kiểm toán phù hợp đối với các chi cục thuế đã sáp nhập

Trong bối cảnh ngành thuế đã và đang tiếp tục sắp xếp, hợp nhất, thu gọn đầu mối chi cục thuế, KTNN sẽ tổ chức triển khai các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế? Đây là vấn đề được lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN quan tâm và đề xuất tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 02 vừa qua.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương nêu thực tế: Việc ngành thuế tổ chức sắp xếp, hợp nhất các chi cục thuế trong năm 2019 dẫn đến các chi cục thuế không còn trực thuộc cấp huyện nữa. Do đó, năm 2020, đối với ngân sách cấp huyện, đơn vị sẽ không kiểm toán chi cục thuế; theo đó, các chi cục thuế được tách ra để kiểm toán theo ngành dọc, tức là kiểm toán từ cục thuế xuống đến các chi cục thuế trực thuộc. Khi đó, biên bản kiểm toán ngân sách cấp huyện sẽ chỉ có phần đánh giá công tác lập dự toán thu, tình hình dự toán thu ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán thu chi ngân sách cấp huyện; còn phần đánh giá sự tuân thủ pháp luật về thu NSNN cấp huyện sẽ được tổng hợp trong biên bản kiểm toán tại Tổng cục Thuế.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn và Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Hữu Phúc đều đồng tình với đề xuất trên. Ông Vũ Khánh Toàn nhấn mạnh thêm, năm qua, ngành thuế đã có nhiều đổi mới, cải cách, đặc biệt là những cải cách về tổ chức, bộ máy. Cách thức tiếp cận kiểm toán là thực hiện đến đâu thì đánh giá đến đó. Do vậy, đối với những huyện không còn chi cục thuế, KTNN có thể chỉ xác nhận số thu, số chi theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước; còn việc chấp hành pháp luật về thuế của các đối tượng thu nộp ngân sách sẽ được đánh giá qua kiểm toán tại Tổng cục Thuế, các cục thuế và chi cục thuế.

Liên quan đến đề xuất trên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đều cho rằng, đối với những địa phương còn chi cục thuế, tức là không sáp nhập, các đơn vị vẫn thực hiện kiểm toán bình thường như trước đây để tránh sự xáo trộn. Những trường hợp đã sắp xếp, hợp nhất, thành lập chi cục thuế khu vực, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ về cơ cấu, tổ chức… để đề xuất với lãnh đạo KTNN phương án tổ chức thực hiện kiểm toán mới cho phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên lưu ý, mặc dù ngành thuế có sự biến động về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhưng hoạt động chuyên môn, từ dự toán thu, tổ chức, thực hiện thu cho đến quyết toán thu vẫn diễn ra bình thường ở tất cả các chi cục thuế đã sáp nhập hay không sáp nhập. Đây là một phần quan trọng trong nội dung ngân sách của địa phương. Do đó, khi kiểm toán, các đơn vị phải lưu ý thực hiện để đảm bảo không bỏ sót nội dung.

Kết luận vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đồng ý với phương án: những địa phương đã sáp nhập chi cục thuế, tức là 2 - 3 huyện thành lập một chi cục, KTNN sẽ kiểm toán cơ quan thuế của tỉnh và các chi cục thuế khu vực. Những địa phương vẫn còn chi cục cũ, KTNN tiến hành kiểm toán bình thường như truyền thống trước đây, trong đó tập trung đánh giá công tác thu, trách nhiệm của chi cục thuế và địa phương trong điều hành thu…

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Sáp nhập các chi cục thuế - Hướng đi nào phù hợp cho các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương?