Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Quyết định được ban hành nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN.



Phải hoàn thành cổ phần hóa 137 DN

Trong Quyết định này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò và mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020.


Cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Ảnh: TS

Song song với đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN cần phải hoàn thành cổ phần hóa 137 DN; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 DN theo Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên; thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Những nhiệm vụ cụ thể trên cần phải hoàn thành nhằm hiện thực hóa 4 mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 mà Quyết định số 707/QĐ-TTg đã nêu. Thứ nhất, thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thứ hai, đầu tư của DNNN tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DNNN; kiện toàn nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; hoạt động của DNNN được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Thứ ba, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.

Thứ tư, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN. Sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương.

Khắc phục bất cậpcủa giai đoạn trước

Qua kiểm toán chuyên đề “Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015”, KTNN đã phát hiện và chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn này. KTNN nêu rõ: Việc ban hành cơ chế, chính sách, tuy rất nhiều về số lượng, nhưng vẫn còn thiếu, chưa bao quát được toàn diện; cơ chế, chính sách ban hành hầu hết là chậm, không đúng kế hoạch, thiếu những văn bản hướng dẫn; một số cơ chế, chính sách ban hành kịp thời nhưng tính khả thi lại thấp, không áp dụng được; có những văn bản mới mâu thuẫn với các văn bản khác.

Bên cạnh đó, KTNN cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án tái cơ cấu của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước không thực chất, không có số liệu, dữ liệu, phân tích, đánh giá; hầu hết các DN không có cơ sở để xây dựng Đề án, cơ sở đưa ra phương án thoái vốn; chưa nghiêm túc trong việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan để chỉnh sửa Đề án.

Thực tế này cũng đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương… đề cập tại các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn xoay quanh chủ đề tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015.

Để khắc phục những bất cập đã bộc lộ rõ trong giai đoạn 2011-2015, trong Quyết định số 707, Thủ tướng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN; sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hoá, thoái vốn, bán, giải thể, phá sản DN.

Về chính sách quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, giải pháp được đề ra là phải hoàn thiện phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các Bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp: Tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016-2020; nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật và cơ chế thị trường trong cổ phần hoá, thoái vốn; không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản. Để nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, Thủ tướng yêu cầu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại DN giai đoạn 2016-2020.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước