Nơi lưu giữ những ký ức cách mạng vẻ vang

(BKTO) - Là nơi mang đậm dấu ấn của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Thủ đô Hà Nội sở hữu hàng trăm chứng tích lịch sử, cách mạng, trong đó có nhiều địa chỉ gắn liền với Cách mạng tháng Tám năm 1945, ghi dấu một thời gian khó nhưng kiêu hãnh, hào hùng của dân tộc. Trong đó, không thể không nhắc đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm) - nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, hay làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) - nơi Xứ ủy Bắc Kỳ họp Hội nghị Phát động khởi nghĩa giành chính quyền.




Vạn Phúc hôm nay đang vững bước trong tiến trình phát triển

Về nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

Nằm trong khu phố cổ sầm uất, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang gắn với sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc - nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngôi nhà này vốn là của cụ Trịnh Phúc Lợi - chủ hiệu tơ lụa Phúc Lợi - được xây theo lối cổ gồm 2 tầng. Sau khi được kế thừa ngôi nhà từ người cha, vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã sửa sang theo lối kiến trúc hiện đại gồm 4 tầng, tầng 1 là cửa hàng bán tơ lụa, tầng 2 và 3 là các phòng dùng để tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ, tầng 4 chủ yếu làm kho chứa hàng.

Trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, chủ nhân ngôi nhà đã dành toàn bộ các phòng ở tầng 2 để Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong T.Ư Đảng ở, làm việc và hội họp. Đây cũng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban Thường vụ T.Ư Đảng quyết định nhiều chủ trương có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. 75 năm đã trôi qua, ngôi nhà lịch sử gắn liền với bao thăng trầm của thời gian vẫn còn đó những nét xưa cũ, những dấu ấn của năm tháng lịch sử với bộ bàn ghế sa lông mềm mại, những bức rèm lụa trắng bay trong gió bên những ô cửa nhỏ, bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, góc làm việc… Những kỷ vật này đã trở thành vô giá và còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về.

Ngày nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang không phải là cửa hàng buôn bán tấp nập như xưa mà nó trầm mình trong sự náo nhiệt của phố cổ Hà Nội. Năm 1970, ngôi nhà được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp ứng tình cảm của nhân dân dành cho Bác. Năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia.

Sáng ngời làng cách mạng ven đô

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Tây, làng lụa Vạn Phúc không những nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền mà còn là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vạn Phúc đã được chọn làm An toàn khu của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong những năm 1939-1941, dù địch khủng bố gắt gao, làng Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan của Xứ ủy, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt... Đặc biệt, trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa (cuối tháng 7/1945), An toàn khu Vạn Phúc được giao nhiệm vụ đón đoàn cán bộ trong toàn Xứ tập trung ở địa phương để đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang). Ngày 17/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại Vạn Phúc, quyết định khởi nghĩa trong toàn Xứ.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, một trong những lý do để Vạn Phúc được chọn làm An toàn khu là vì lúc đó làng nằm cách nội thành không quá gần nhưng cũng không quá xa, có vị trí địa lý thuận lợi, đường xá đi lại thuận tiện lên chiến khu Việt Bắc; người dân giàu lòng yêu nước và có nghề dệt lụa phát triển. Hơn nữa, trong làng có nhiều thợ dệt từ các nơi đến làm thuê, khách đến mua hàng nên khi cán bộ cách mạng về hoạt động sẽ thuận lợi hơn… Cũng chính từ lẽ đó mà An toàn khu Vạn Phúc đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Kỳ.

Năm xưa, Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày nay, làng đang vững bước trong tiến trình phát triển với vai trò là một điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Ngôi làng vẫn giữ được khung cảnh của làng quê cách mạng, vẫn vẹn nguyên cây đa, bến nước, mái đình, với những con người cần cù, hiền hậu, giàu lòng mến khách. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng Tám, khi cả nước đang hân hoan chào mừng ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, Vạn Phúc rực rỡ hơn với sắc đỏ tươi của những lá cờ Tổ quốc được treo từ cổng làng cho tới những khu di tích và trước cổng nhà của mỗi gia đình.

Cùng với ngôi nhà 48 Hàng Ngang và làng lụa Vạn Phúc, Thủ đô Hà Nội còn sở hữu nhiều chứng tích lịch sử khác gắn liền với Cách mạng tháng Tám năm 1945 như: Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tại số 101 Trần Hưng Đạo (ngày nay là trụ sở của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo), nơi đây, Uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên ngay sau khi Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra “Quân lệnh số I” hạ lệnh tổng khởi nghĩa ngày 14 - 15/8/1945; Quảng trường Cách mạng tháng Tám, nơi chứng kiến cuộc Tổng khởi nghĩa của quần chúng cách mạng ngày 19/8/1945...

Những chứng tích đó đã chứng kiến các sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước, góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20. Quá khứ đã trôi qua, những chiến công oanh liệt đã đi vào lịch sử, song những chứng tích đó vẫn trường tồn với thời gian để luôn nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về Mùa thu Cách mạng năm 1945 - dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Tuyên ngôn Độc lập - ý chí và khát vọng  của dân tộc Việt Nam
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trải qua 75 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.
  • AIPA 41: Lịch sử các kỳ Đại hội đồng AIPA (P1)
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Ngày 8 đến 10-9-2020 tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) theo hình thức trực tuyến. Kể từ khi ra đời đến nay, AIPA đã tổ chức được 40 kỳ họp Đại hội đồng. Qua 40 kỳ Đại hội đồng, AIPA đã ban hành hàng trăm nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm chung của các nước ASEAN. Phạm vi về các vấn đề mà AIPA quan tâm thúc đẩy rất đa dạng, từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa và sự tác động của toàn cầu hóa tới ASEAN, đến đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực, tăng cường năng lực lập pháp và quản trị.
  • Cổng dữ liệu quốc gia Data.gov.vn chính thức đi vào hoạt động
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Cổng dữ liệu quốc gia sẽ được kết nối và tích hợp một số nền tảng như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode...
  • Tổng Bí thư: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết nhan đề: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới."
Nơi lưu giữ những ký ức cách mạng vẻ vang