Nợ thuế - bài toán khó đang cần lời giải

(BKTO) - Báo cáo gần đây của Tổng cục Thuế cho biết, tính đến 30/4/2016, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, trong đó: Ngân sách trung ương là 15.760 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 60.240 tỷ đồng. Số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên là 36.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,3% tổng số tiền nợ thuế; các khoản thuế, phí là 24.594 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan về đất là 12.135 tỷ đồng; các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 23.921 tỷ đồng.




Đối với tình hình thu hồi nợ thuế, tính đến 30/4, tổng số 63 cục thuế cả nước đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, bằng 19,6% tổng nợ đến 31/12/2015. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ thu được 10.990 tỷ đồng; bằng biện pháp cưỡng chế là 3.260 tỷ đồng.

Riêng 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, số tiền nợ tính đến 30/4 là 55.951 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Một số tỉnh, thành phố có số tiền nợ lớn là: Hà Nội hơn 23.000 tỷ đồng, Đồng Nai 1.900 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 1.700 tỷ đồng, Bình Dương hơn 2.000 tỷ đồng…

Mặc dù ngành thuế đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: đôn đốc thu hồi nợ thuế, cưỡng chế tài khoản ngân hàng, thu hồi hóa đơn, công khai danh tính của doanh nghiệp nợ thuế… song, tỷ lệ nợ đọng thuế còn lớn và vấn đề nợ thuế vẫn còn gây đau đầu các cơ quan quản lý.


Nợ thuế phổ biến,nguyên nhân không chỉtừ doanh nghiệp

Theo lý giải của một đại diện ngành thuế, nguyên nhân chính khiến cho công tác thu hồi nợ thuế chưa được cải thiện là do nhiều doanh nghiệp gặp khó về tài chính, sản xuất kinh doanh thua lỗ nên không có nguồn thanh toán nghĩa vụ thuế đúng hạn. Đặc biệt là những khó khăn ảnh hưởng từ giai đoạn 2007 - 2009, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến kinh tế của Việt Nam.

Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan thuế vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đôn đốc quản lý nợ thuế, đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ỳ trả nợ. Khi bị truy thu số tiền lớn, nhiều doanh nghiệp có nợ thuế ngay lập tức bỏ địa điểm kinh doanh, sau đó thành lập công ty khác. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp hay Luật Quản lý thuế vẫn chưa có quy định nào cấm các doanh nghiệp không nộp thuế thành lập công ty mới và góp vốn trong công ty mới thành lập. PGS. TS Đặng Đức Sơn- Viện trưởng Viện quản trị và tài chính AFC cho rằng, đôi khi doanh nghiệp cũng cố tình luồn vào kẽ hở, đó là tính thiếu hiệu quả trong công tác quản lý thuế để trì hoãn việc nộp thuế. Nếu doanh nghiệp cảm thấy cơ quan thuế không có công cụ xử lý ngay đối với phần thuế chưa nộp thì họ sẽ cố gắng chậm nộp ngày nào hay ngày đó.

Một nguyên nhân quan trọng khác được cơ quan thuế đưa ra, đó là giải pháp phân kỳ trả nợ bằng cách cho các doanh nghiệp trả dần tiền nợ thuế với điều kiện được ngân hàng bảo lãnh, đã tỏ ra không có tác dụng và khó thực thi. Theo pháp luật thuế hiện hành, trong trường hợp doanh nghiệp được tổ chức tín dụng, hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của luật tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp, thì thời hạn nộp thuế được thực hiện theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá 12 tháng. Nếu hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa thực hiện nghĩa vụ, thì tổ chức bảo lãnh sẽ có trách nhiệm nộp thuế và tiền phạt chậm nộp thay cho người nộp thuế. Quy định là như vậy nhưng trên thực tế, việc áp dụng còn rất nhiều bất cập. Bởi lẽ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì không có tổ chức tín dụng hay ngân hàng nào muốn đứng ra bảo lãnh và doanh nghiệp dù muốn cũng không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc nợ đọng thuế diễn ra phổ biến còn xuất phát từ một lý do khác, đó là ngay trong luật thuế hiện thời, chúng ta cũng đang có những chính sách chế độ cho phép các doanh nghiệp được nộp chậm thuế. Hơn nữa, tính ổn định của các chính sách pháp luật trong lĩnh vực này cũng liên tục thay đổi khiến cho doanh nghiệp không kịp cập nhật, dẫn đến thời điểm giao thoa họ có thể gặp những vướng mắc như kê khai chậm hay xác định các nghĩa vụ thuế chưa đúng.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, hệ thống pháp luật về thuế vẫn luôn cố gắng để giúp đỡ doanh nghiệp nhưng thường là đi vào xử lý các tình huống cụ thể, giải đáp những vướng mắc cụ thể. Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề này thì lại nảy sinh ra vấn đề khác. Nếu xử lý tình huống nhiều, tính hệ thống, tính cơ bản của các luật thuế có thể bị vỡ, thiếu thống nhất, thiếu minh bạch; các chính sách mất sự ổn định và việc áp dụng phần mềm quản lý sẽ khó khăn hơn. Bản thân một đại diện ngành thuế cũng thừa nhận, việc chuyển đổi cơ sở dữ liệu của ngành thuế từ phân tán sang tập trung còn chưa hoàn thiện đã khiến cho doanh nghiệp sai sót dẫn đến nợ thuế. Đồng thời, cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong quản lý dữ liệu, liên thông kết nối, trao đổi thông tin với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng. Hiện ngành thuế đã tìm ra nguyên nhân gây lỗi và đang có những giải pháp khắc phục.

Giải bài toán thu hồi nợ thuế: cần những biện pháp bền vững, lâu dài

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp nợ thuế lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đôn đốc kịp thời các khoản thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, …; rà soát phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả, như: động viên thuyết phục doanh nghiệp, có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế; thành lập đoàn kiểm tra tình hình thu nộp tại những ngành nghề, lĩnh vực có số nợ thuế lớn…Sau khi triển khai hết các biện pháp mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì đến thời hạn nhất định, cơ quan thuế buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Một giải pháp mang lại nhiều hiệu quả và đã được các cơ quan thuế áp dụng gần đây, đó là công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế. Mới đây, Cục thuế thành phố Hà Nội vừa công khai đợt VII năm 2016 danh sách 144 đơn vị nợ thuế, với tổng số tiền nợ gần 194 tỷ đồng tính đến 31/05/2016. Trong đó, những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và thương mại vẫn tiếp tục chiếm phần lớn.

Ông Mai Sơn, Cục phó Cục thuế Hà Nội khẳng định: Cục thuế đã làm tốt công tác phân loại nợ thuế để việc công khai đảm bảo chính xác và công bằng đối với người nộp thuế khác. Các đối tác chắc chắn sẽ không lựa chọn những đơn vị nợ thuế bị công khai. Việc này cũng sẽ khiến cho người nợ thuế suy nghĩ rằng, một là phải nộp, hai là phải tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc có những biện pháp để không còn nợ thuế nữa.
Với những trường hợp có biểu hiện chây ì, nợ lớn, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách địa phương, Cục thuế Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan công an để hỗ trợ đôn đốc thu hồi.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2016, mức lãi chậm nộp tiền thuế được giảm từ 0,05 %/ngày xuống mức 0,03%/ngày, tương đương 0,09%/tháng. Điều này sẽ giúp cho người nợ thuế giảm bớt khó khăn, từ đó công tác thu hồi nợ thuế cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Để vấn đề thu hồi nợ thuế trở nên khả quan, các chuyên gia tư vấn thuế đã phân tích thêm một số tình huống nhằm giải quyết tốt bài toán này.

Từ trước đến nay, ngành thuế vẫn thường giao chỉ tiêu đòi nợ thuế từ trung ương xuống địa phương. Theo đánh giá từ phía chuyên gia, về nguyên tắc, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế cho ngân sách nhà nước. Việc Tổng cục Thuế bổ đầu cho cục thuế các tỉnh, sau đó các cục thuế bổ xuống cho các địa phương là một biện pháp hành chính nhưng cũng là một nguyên tắc bắt buộc về mặt pháp luật. Nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện thì cơ quan thuế áp dụng các biện pháp hành chính là điều hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phương pháp giao chỉ tiêu nộp thuế từ trên xuống về lâu dài không mang lại hiệu quả tối ưu, khi mà ý thức của người nộp thuế vẫn chưa thực sự được cải thiện. Theo PGS.TS Đặng Đức Sơn, cần phải xóa bỏ ngay tình trạng giao khoán chỉ tiêu thu số thuế trên đầu địa phương, kể cả việc khoán thu nợ đọng thuế. Lý do, đây không phải là một hình thức thưởng phạt mà là nghĩa vụ. Thế nên chúng ta cần phải mài sắc các công cụ của Nhà nước để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của luật pháp, đảm bảo cơ chế nghiêm minh trong quá trình nộp thuế. Đó là điều mà các nước văn minh, các nước phát triển đã hướng đến và thực hiện rất đầy đủ.

Hiện nay, thời gian cưỡng chế nợ thuế bắt đầu từ ngày thứ 91, quy định này dễ tạo ra những khó khăn cho một số đối tượng, đặc biệt là những đối tượng kinh doanh bất động sản, xây dựng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu ra không có… Nếu đúng 90 ngày nợ thuế mà thực hiện cưỡng chế ngay thì các doanh nghiệp này sẽ càng thêm khó khăn. Chính vì thế, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng: Nhà nước có thể gia hạn nộp thuế đối với những trường hợp doanh nghiệp xây dựng cơ bản đang đầu tư công trình bằng vốn ngân sách nhà nước, thời gian gia hạn thậm chí có thể từ 1 đến 2 năm.

Ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ quản lý Nợ và Cưỡng chế thuế chia sẻ: Biện pháp cưỡng chế nào cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp kinh doanh chưa có tiền mà cơ quan thuế đã phong tỏa thì họ sẽ thêm khó khăn về nguồn vốn. Cũng vì điều này nên khi doanh nghiệp đã bắt đầu nộp được một phần, cơ quan thuế thường chuyển sang những biện pháp nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như việc thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.

Thực tế, cơ quan thuế muốn thực hiện được cưỡng chế thuế cũng phải qua nhiều công cụ hành chính khác. Cho nên các chuyên gia cho rằng, cơ quan này phải phối hợp một cách đồng bộ với cơ quan quản lý kinh doanh, với ngân hàng để yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện biện pháp xử lý tài khoản. Khi cơ quan thuế yêu cầu, cần phải có một công cụ áp chế ngay, đảm bảo cho việc thực thi nghĩa vụ thuế thật sự nghiêm minh. Nếu tình trạng dây dưa nợ thuế tiếp tục kéo dài thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, mà hệ lụy nguy hiểm trực tiếp ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như gây khó khăn cho ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia nhận định, việc tận thu doanh nghiệp không phải là một biện pháp hiệu quả để tạo ra nguồn thu bền vững. Do đó, cơ quan thuế cần phải làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp nợ thuế. Điều quan trọng hơn nữa là ngành tài chính phải thiết lập cơ chế tiết kiệm ngân sách cùng những chính sách cải cách về thuế, đồng thời tập trung phát triển nền kinh tế trong nước, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để làm ăn có lãi. Thực hiện tốt những vấn đề đó, ngân sách nhà nước sẽ thu được số thuế ở mức cao nhất và dĩ nhiên cũng sẽ không phải lo nhiều về tình trạng nợ thuế hay thất thu.

TRẦN NGUYÊN
Theo Đặc san Kiểm toán số 49 ra tháng 7/2016
Cùng chuyên mục
  • Luân chuyển, điều động đảng viên, công chức KTNN: “Đảm bảo công khai, minh bạch, thận trọng và kiên quyết”
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 06/7/2016, Ban cán sự Đảng KTNN đãban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổivị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN (Nghịquyết 36). Nhân dịp này, đồng chí HỒ ĐỨC PHỚC - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thưBan cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chia sẻ với phóng viên Báo Kiểmtoán về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ban hành Nghị quyết. BáoKiểm toán trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
  • Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật KTNN 2015
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thựchiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật KTNN năm 2015, vừa qua, tại Hà Nội, KTNNđã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật KTNN 2015 cho phóng viên, biên tập viên của hơn40 cơ quan báo chí T.Ư. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì HViệt Nam.
  • Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 20/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã khaimạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình, kỳ họp sẽ diễnra đến hết ngày 29/7.
  • Nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế 2016
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Với GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,52% thì 6 thángcuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6% để cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng6,7% như Quốc hội đề ra. Đây là mục tiêu không dễ đạt được. Tuy nhiên, kết luậntại phiên họp Chính phủ thườngkỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn khẳng định: Trước mắt, chưa trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêuđã giao.
  • Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Thảo luận và quyết định những vấn đề cơ bản, hệ trọng
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Thực hiện Chương trình làm việc toànkhóa, sáng 4/7, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đãkhai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. TạiHội nghị này, Trung ương thảo luận và quyết định về: Quy chế làm việc của BanChấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quyđịnh thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luậtcủa Đảng; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước vàmột số vấn đề quan trọng khác.
Nợ thuế - bài toán khó đang cần lời giải