Nỗ lực trong “cuộc đua” nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19

(BKTO) - Ngày 10/12, Việt Nam chính thức tiến hành thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 trên người. Đây là sự kiện đánh dấu nỗ lực của các nhà nghiên cứu vắc-xin trong bối cảnh cả thế giới đang chạy đua với cuộc chiến chống Covid-19; hướng tới mục tiêu tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phục vụ người dân.




Ngày 10/12, Việt Nam chính thức tiến hành thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 trên người. Ảnh minh họa

Chủ động để có vắc-xincàng sớm càng tốt

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là làm thế nào để người dân được tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 sớm nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực để nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19.

Hiện Việt Nam có 4 công ty nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Đến thời điểm này, các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó 3 đơn vị sản xuất là Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc-xin trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn thí nghiệm trên động vật và Công ty đã sản xuất 5.000 liều vắc-xin Covid-19 để thử nghiệm. Ngày 10/12, Công ty phối hợp với Học viện Quân Y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo (Bộ Y tế) - cho biết, vắc-xin thử nghiệm phải đánh giá được độc tính, tính an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt yêu cầu bắt buộc là phải có kết quả đánh giá về hiệu lực bảo vệ trên súc vật, trên động vật linh trưởng để hội đồng thẩm định xem xét trước khi cấp phép triển khai thử nghiệm trên người, với mục tiêu bảo đảm tính an toàn, tính hiệu quả và tiến tới xác định hiệu lực bảo vệ. Trên cơ sở kết quả tiền lâm sàng có được một cách hoàn chỉnh thì Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế sẽ xem xét tất cả các khía cạnh và thông qua. Dự kiến, sau ba tháng thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vắc-xin Covid-19 sẽ được tiêm thử nghiệm cho khoảng 400 người.

Nhấn mạnh việc “chạy đua” với thời gian trong nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, song song với việc thử nghiệm giai đoạn 1, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. “Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vắc-xin càng sớm càng tốt” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Sau NANOGEN, vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 2 của Việt Nam do IVAC nghiên cứu dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm trên người vào tháng 3/2021. Hiện, các nhà nghiên cứu của IVAC đang bám sát kế hoạch nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19. Ông Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC - cho biết, mục tiêu chính của IVAC là sản xuất được vắc-xin phòng Covid-19 với số lượng lớn lên tới hàng chục triệu liều có giá thành hợp lý. Vắc-xin phòng Covid-19 được nghiên cứu tại IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi có quy trình sản xuất tương tự sản xuất vắc-xin cúm đại dịch A/H5N1 đã được thiết lập, có thể sử dụng nhà máy sản xuất vắc-xin cúm đại dịch hiện có của IVAC.

Cắt giảm thủ tục hành chính trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đưa ra thủ tục rút gọn nhưng vẫn đảm bảo về chuyên môn. Theo đó, vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được đăng ký một cách nhanh nhất theo quy trình khẩn cấp. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc-xin, đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. “Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn…” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, mặc dù vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam đã có những dấu hiệu khả quan khi thử nghiệm tiền lâm sàng nhưng để vắc-xin phòng Covid-19 có thể sử dụng cho toàn dân vẫn còn thời gian khá xa. Nếu thuận lợi, phải đến quý II/2021, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắc-xin Covid-19. Vì vậy, để người dân sớm được tiếp cận với vắc-xin phòng dịch, Bộ Y tế sẵn sàng đầu tư, hợp tác với các nước để Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin. Khi các công ty sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 ở nước ngoài đã đăng ký ở nước đó, chuyển cho Việt Nam toàn bộ dữ liệu lâm sàng thì sẽ được cấp phép đăng ký ngay ở nước ta. Hiện Việt Nam cũng đã tham gia vào COVAX (Sáng kiến hợp tác toàn cầu thúc đẩy phát triển, sản xuất, tiếp cận công bằng vắc-xin, xét nghiệm và các phương pháp điều trị) để tạo ra cơ chế cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 cho Việt Nam.

Tuy nhiên, về mặt luật pháp, do Covid-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ nên vẫn vướng những quy định pháp lý, do đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 diễn ra mới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị các Bộ, ngành liên quan, ủng hộ, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Nỗ lực trong “cuộc đua” nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19