Nhiều kịch bản cho nền kinh tế để ứng phó với nCoV

(BKTO) - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) vẫn đang rất phức tạp và được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng các kịch bản cho nền kinh tế để có thể chủ động ứng phó trong mọi tình huống.



Nền kinh tế chịu tác độngnhiều mặt từ dịch bệnh

Là quốc gia láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương nhiều mặt với Trung Quốc, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp trên diện rộng của dịch bệnh nCoV.

Đánh giá những tác động trực tiếp của dịch nCoV tới các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, dệt may, điện thoại các loại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh; hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, dịch nCoV cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó tác động nặng nề lên ngành nông nghiệp, đặc biệt nhóm hàng rau quả, nông, thủy sản - những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu NSNN, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, tác động của dịch nCoV đến một số mặt của nền kinh tế dù khá nhanh nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và kéo dài đến hết quý II/2020, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ là nghiêm trọng. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm do cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm; giao thương biên giới bị hạn chế; thời gian giao hàng, thông quan kéo dài do phải thực hiện công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt.

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dịch nCoV tác động 2 chiều lên tăng trưởng kinh tế nhưng dự kiến, yếu tố tiêu cực có thể nhiều hơn tích cực, hoạt động kinh tế bị gián đoạn ngắn hạn nhưng trên diện rộng. Đánh giá của Ngân hàng HSBC mới đây cho thấy, nếu tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 2 điểm % trong quý I và sau đó phục hồi thì tăng trưởng của Việt Nam giảm gần 0,25 điểm % qua kênh giảm xuất khẩu (bình quân châu Á là -0,2 điểm %). Mức giảm này chưa tính đến khả năng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho sản xuất của các nước.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết, số thuế phải thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 84.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành hải quan. Do đó, nếu dịch bệnh kéo dài thì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu NSNN.

Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh nCoV tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng GDP. Kịch bản 1, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm % so với mục tiêu). Kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm % so với mục tiêu).

Sẵn sàng các giải phápđể chủ động ứng phó

Mặc dù Việt Nam khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ dịch bệnh nCoV nhưng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhấn mạnh tinh thần “bàn tiến không bàn lùi”, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có các kịch bản, phương án để chủ động ứng phó trong mọi tình huống , “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa nền kinh tế tiếp tục tiến bước.

Trên tinh thần này, Bộ KH&ĐT kiến nghị 2 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, bên cạnh nhóm giải pháp liên quan đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, nhóm giải pháp thứ hai là sau khi dập dịch bệnh thành công, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ theo dõi, đánh giá thường xuyên tình hình thị trường để xây dựng kịch bản, tham mưu phương án sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, sức mua thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế dùng cho công tác phòng, chống lây nhiễm dịch tăng đột biến.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, hiệu quả công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Trường hợp dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, Bộ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, DN, các đơn vị ngành công thương, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các DN nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản…

Đối với NHNN, hiện chưa có các thống kê chính xác về tác động của dịch bệnh lên lạm phát trong khi thị trường tiền tệ vẫn khá ổn định, do đó, các chỉ tiêu điều hành chưa cần điều chỉnh. Thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát các diễn biến, căn cứ trên các thông tin thống kê chính thức để có đánh giá kỹ hơn về tác động của dịch bệnh và triển vọng lạm phát, tăng trưởng, điều chỉnh quan điểm điều hành nếu cần thiết.

XUÂN HỒNG
Cùng chuyên mục
Nhiều kịch bản cho nền kinh tế để ứng phó với nCoV