Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019

(BKTO)- Sáng 4/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tại Hội nghị, ý kiến tham luận của các đại biểu đều cho rằng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của các địa phương, kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, có sự chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.



                
   

Chủ tịch UBND T. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp- Ảnh: hanoi.gov.vn

   

GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngay từ đầu năm 2019, Hà Nội đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 12 với 76 nhiệm vụ và Chương trình công tác số 240 với 266 nhiệm vụ. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019 các chỉ số kinh tế- xã hội có nhiều khả quan. GRDP tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%), thu NSNN đạt 133,854 nghìn tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán, tăng 14,3%. Khách du lịch đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5%, trong đó khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6%, tổng doanh thu từ khách du lịch tăng 29,8%.

Bên cạnh đó, chỉ số PCI của thành phố năm 2018 tăng 04 bậc, xếp thứ 9/63; Chỉ số Cải cách hành chính duy trì vị trí 2/63; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền tăng 16 bậc. Thành phố đã rà soát cắt giảm đơn giản hóa 71 thủ tục hành chính; từ năm 2016 đến nay đã đơn giản hóa 304 thủ tục. Cũng trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 13.630 doanh nghiệp (tăng 9%); Vốn đầu tư xã hội đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 12,02%; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,03 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của TP. Hồ Chí Minh cũng duy trì được mức tăng trưởng khá, khẳng định được vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 611.525 tỷ đồng, tăng 7,86%, hoạt động thu ngân sách có hiệu quả, đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán, tăng 7,04% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Thành Phong, tình hình hoạt động đầu tư đạt kết quả khá, có 21.600 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 342.000 tỷ đồng (tăng 34,2% về vốn đăng ký), tuy nhiên có 2.380 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,4%. Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), Thành phố thu hút được 3,2 tỷ đôla Mỹ (tăng 20%).
                
   

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nền kinh tế nước ta cơ bản tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá. Động lực hỗ trợ tăng trưởng đến từ cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%), là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra là 6,8%.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019 có 6 điểm sáng. Thứ nhất là GDP quý II và 6 tháng tăng trưởng chưa phải cao nhưng so với các thời kỳ trước, vẫn là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến bất lợi. Con số tăng trưởng GDP 6,76% là kết quả khả quan. Thứ hai là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, được các tổ chức đánh giá cao. Thứ ba làchính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát. Thứ tư là thu chi ngân sách diễn biến theo hướng tích cực, lần đầu tiên có số thu 6 tháng đầu năm đạt trên 53% so với dự toán. Thứ năm là các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động. Thứ sáu là hội nhập quốc tế và đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.

Quyết tâm hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế- xã hội 2019

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra các rủi ro, thách thức, tồn tại cần lưu ý thời gian tới mà đầu tiên là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế thế giới nhạy cảm, nhiều rủi ro. Các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại. Áp lực lạm phát còn hiện hữu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn…

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ trong thời gian tới là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 -2020. “Cho nên, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao cho các đồng chí”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp những tháng tới, Thủ tướng nêu rõ đối với rủi ro bên ngoài, cần theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ- Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, tận dụng các FTA đã ký và tập trung phát triển thị trường trong nước. Kiểm tra đánh giá ngay tình trạng đội lốt nhãn mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam, xử lý nghiêm vi phạm.
                
   

Quang cảnh phiên họp tại Trụ sở Chính phủ- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   

Theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài. Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên với các cơ quan chuyên môn của phía Hoa Kỳ để họ nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, thận trọng.

Phấn đấu năm 2019 đạt tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% so với năm 2018. Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng hoan nghênh kết quả bước đầu trong nghiên cứu vaccine phòng chống dịch này. Tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam. Cho biết sắp trình Bộ Chính trị Đề án thu hút FDI, Thủ tướng nêu rõ tinh thần lớn trong thu hút FDI là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng thông báo, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI mới vào Việt Nam. Cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác xử lý việc này. Cần thiết thì điều chuyển vốn của những ngành, địa phương làm chậm cho ngành, địa phương khác. Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương, ở các ngành sẽ được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển. “Kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn. Đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển”- Thủ tướng khẳng định.

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019