Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công qua hoạt động kiểm toán

(BKTO )- Kiểm toán tốt các khoản nợ công sẽ góp phần nâng caohiệu quả quản lý, sử dụng nợ công của quốc gia và làm gia tăng vị trí, uy tín củaKTNN. Do đó, những năm gần đây, nội dung kiểm toán này đã được KTNN quan tâm vàtriển khai thực hiện.



KTNN phát hiện nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng nợ công

Kiểm toán nợ công bắt đầu được KTNN chú trọng từ năm 2011 bằng việc lần đầu tiên đưa kiểm toán công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính trở thành một nội dung kiểm toán chi tiết trong kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN hàng năm. Năm 2015, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề về nợ công năm 2014 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, 2 ngân hàng chính sách và một số địa phương.


KTNN sẽ đánh giá tính trung thực, hợp lý của các báo cáo nợ công hằng năm.Ảnh: TS

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý nợ công. Đơn cử, kết quả kiểm toán chuyên đề về nợ công năm 2014 của KTNN chỉ rõ, danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng vẫn còn bị trùng lắp, hoặc tính chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ. Dư nợ công giai đoạn 2010-2014 tăng bình quân 18,6%/năm; đến 31/12/2015 khoảng 62,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 50,3% GDP. Công tác tổ chức và quản lý nợ công phân tán tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Thậm chí, ngay trong Bộ Tài chính, nhiều đơn vị có cùng nhiệm vụ quản lý nợ công. Đáng lưu ý, công tác thống kê, báo cáo, tổng hợp và công khai số liệu nợ công còn chậm trễ, thiếu chính xác, chưa tạo kênh thông tin tin cậy phục vụ việc phân tích, đánh giá đúng đắn về nợ công, giúp công tác định hướng, điều hành vay nợ phù hợp, hiệu quả. Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh chưa áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn, lãi suất và tỷ giá, tiềm ẩn nguy cơ không trả nợ đầy đủ khi đến hạn và có biến động về lãi suất, tỷ giá. Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, một số quy định chưa thống nhất hoặc không còn phù hợp với Hiến pháp 2013. Việc chấp hành các quy định pháp luật về nợ công chưa nghiêm…

Bên cạnh đó, KTNN cũng đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của ngân sách địa phương, từ đó thu hút sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và công chúng. Các thông tin này tập trung vào các nhận xét, đánh giá góp phần cảnh báo tình hình quản lý nợ công, từ đó thúc đẩy các cơ quan quản lý nợ có biện pháp quản lý tốt hơn.

Tiếp tục thực hiện kiểm toán nợ công

Trước thực trạng nợ công ngày càng tăng cao, năm 2017, KTNN tiếp tục đưa nội dung kiểm toán nợ công lồng ghép vào các cuộc kiểm toán NSNN. Theo đó, mục tiêu của hoạt động kiểm toán này nhằm đánh giá tính trung thực, hợp lý của các báo cáo nợ công hàng năm, sự tuân thủ pháp luật trong quản lý nợ công của các đơn vị được kiểm toán, cũng như tính hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công. Đồng thời, KTNN sẽ nỗ lực để phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng nợ công, từ đó kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nợ công theo quy định của pháp luật; cung cấp số liệu và tình hình quản lý, sử dụng nợ công cho Quốc hội, Chính phủ phục vụ việc giám sát, điều hành và đề ra các giải pháp tổng thể bảo đảm bền vững của ngân sách trong tương lai.

Kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, mặc dù quá trình kiểm toán quyết toán NSNN có sự lồng ghép đánh giá về vay nợ Chính phủ và nợ công (sau khi có Luật Quản lý nợ công) nhưng cho đến nay, KTNN chưa xác nhận được số liệu nợ công hàng năm. Bởi vậy, một trong những yêu cầu quan trọng được lãnh đạo KTNN đặt ra trong kế hoạch kiểm toán nợ công năm 2017 là phải xác nhận được số liệu này.
Góp ý cho kế hoạch kiểm toán trên, đại diện KTNN khu vực XII kiến nghị, mục tiêu kiểm toán cần được sửa đổi hoặc bổ sung một số nội dung. Cụ thể, ngoài việc đánh giá tính trung thực, hợp lý của các báo cáo nợ công, ở góc độ kiểm toán hoạt động, KTNN cần đánh giá thêm tính khoa học, tính hợp lý của tỷ lệ nợ công bằng 65% GDP. Trong quá trình kiểm toán phải phân tích kỹ về cơ cấu nợ công trong tổng số nợ công, đồng thời nhìn nhận, đánh giá tính hợp lý của các khoản vay. Bên cạnh đó, cần đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong việc huy động các nguồn vốn vay thuộc nợ công; đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong các đề án để vay và huy động của Chính phủ, chính quyền địa phương và DN đề nghị được Chính phủ bảo lãnh.

Liên quan đến phạm vi kiểm toán nợ công, KTNN đặt vấn đề một số khoản vay như vay Quỹ Bảo hiểm xã hội, vay Quỹ đảo nợ, nợ xây dựng cơ bản có nên tính vào nợ công? Hóa giải băn khoăn này, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, Luật Quản lý nợ công quy định vay Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ đảo nợ, nợ xây dựng cơ bản được đưa vào cơ cấu nợ công. Do vậy, KTNN nên căn cứ vào Luật để thống kê.

Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại lưu ý thêm, ngoài việc kiểm toán tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN cần lưu ý kiểm toán tại những đơn vị sử dụng nguồn vốn vay, từ đó mới có thể đánh giá được hiệu quả sử dụng nợ công.

NGỌC MAI
Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công qua hoạt động kiểm toán