Minh bạch lựa chọn nhà thầu dự án PPP để ngăn thất thoát, lãng phí

(BKTO) - Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn khi có quá nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, gây thất thoát, lãng phí và kém minh bạch mà kết quả kiểm toán là một minh chứng khách quan, sinh động, các chuyên gia khuyến nghị, trong Luật PPP mà Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua, cần quy định cụ thể việc lựa chọn nhà thầu một cách minh bạch, mang tính cạnh tranh cao.




Cần giao cho KTNN thực hiện kiểm toán toàn diện các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: L.Nguyễn

Chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch

Trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn đầu của hành lang pháp lý về PPP (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP), phần lớn các dự án PPP như: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao)... đã được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tiếp đó, trong giai đoạn 2016-2020, trong số 32 dự án PPP do các Bộ, ngành được cấp Giấy chứng nhận đầu tư kể từ khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì hình thức thực hiện chủ yếu cũng là chỉ định thầu. Đồng thời, trong số 264 dự án PPP mà các địa phương đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, chỉ có 107 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chiếm 41%; còn 157 dự án đã áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chiếm 59%, trong số đó có 154 dự án chỉ định nhà đầu tư do chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển. Đơn cử, tại Hà Nội, trong 15 dự án BT đã ký hợp đồng, chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại đều chỉ định thầu... Các chuyên gia đánh giá, kết quả này cho thấy hình thức thực hiện dự án PPP không có tính cạnh tranh và thiếu minh bạch.

Theo thời gian, cơ sở pháp lý về PPP đã tiếp tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Lưu Trường Kháng chỉ ra điểm bất hợp lý là: Nghị định số 63/2018/NĐ-CP không có quy định chỉ định thầu đối với dự án PPP nhưng quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong khi theo Luật Đấu thầu thì các dự án vẫn có thể được chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt, như mang tính cấp bách, đảm bảo bí mật Nhà nước... Vì thế, trong thực tế vẫn có thể có trường hợp dự án PPP được chỉ định thầu và như vậy vẫn chưa đảm bảo tính cạnh tranh.

Cho rằng chỉ định thầu là điểm mấu chốt khiến các dự án PPP (đặc biệt là BT) “hấp dẫn” các nhà đầu tư, nhưng cũng là kẽ hở đáng quan ngại của quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Minh Phong (Báo Nhân dân) lập luận, chủ đầu tư giành được quyền chủ động dẫn dắt “cuộc chơi” do các dự án BT hầu hết đều được chỉ định thầu và dễ “bắt tay” thương lượng với cơ quan quản lý, từ lựa chọn dự án, xác định tổng mức đầu tư, thực hiện và quyết toán dự án. Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về quản lý dự án theo hình thức PPP, việc giám sát chất lượng công trình BT dù được thực hiện theo thủ tục áp dụng đối với dự án đầu tư công nhưng khá lỏng vì nhà đầu tư, DN chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ dự án; tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý, giám sát thi công, nghiệm thu... Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, DN theo hợp đồng và trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý mới thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để hỗ trợ thực hiện việc giám sát.

Đồng quan điểm, lãnh đạo KTNN khu vực I phân tích thêm, nhà đầu tư có toàn quyền lựa chọn nhà thầu triển khai dự án dẫn tới có những dự án PPP thời gian qua chưa đảm bảo hiệu quả về chi phí. Kết quả kiểm toán đã chứng minh, các dự án đa phần đều được lập với tổng mức đầu tư và dự toán ngay từ ban đầu vượt rất lớn so với thực tế thực hiện, trong đó có nhiều sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức và cơ cấu nhiều khoản mục không có cơ sở. Qua kiểm toán chuyên đề việc thực hiện đầu tư các dự án BT giai đoạn 2014-2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính giảm giá trị dự án BT trong hợp đồng BT và rà soát lại cơ sở thanh toán, quyết toán hàng nghìn tỷ đồng...

Hoàn thiện hành lang pháp lý, hạn chế chỉ định thầu

Tổng hợp kết quả kiểm toán các dự án PPP mà KTNN đã thực hiện trong những năm qua, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - nhấn mạnh, hầu hết các dự án đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu không chỉ làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch mà còn tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Từ những phát hiện qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị, cần tăng cường đấu thầu rộng rãi, đảm bảo tính cạnh tranh để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực; hạn chế hình thức chỉ định thầu đối với các dự án PPP; công khai, minh bạch kết quả lựa chọn nhà thầu, cũng như quá trình khai thác, sử dụng dự án.

Ông Lê Đức Luận - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - khuyến nghị, cần đưa ra nhiều quy định để hạn chế chỉ định thầu, góp phần ngăn chặn thất thoát từ những khâu đầu tiên trong quá trình triển khai dự án PPP. Chẳng hạn, các dự án BT chỉ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi đã có thiết kế và dự toán được phê duyệt; quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định rõ ngay trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi gắn với yêu cầu phải được phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có). Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP sẽ không được bố trí cho dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu…

Còn theo ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), chi phí đầu tư xây dựng; lợi nhuận nhà đầu tư; lãi suất vay huy động; mức phí thu (giá vé); thời gian thu phí hoàn vốn… phải là những tiêu chí quan trọng khi đấu thầu. Như vậy, nhà đầu tư sẽ phải cạnh tranh, giảm tối đa các chi phí để được thắng thầu. Theo quy định hiện hành, khi chỉ định nhà đầu tư dự án PPP thì lợi nhuận nhà đầu tư, lãi vay thỏa thuận; thời gian thu phí hoàn vốn được điều chỉnh theo cam kết trong hợp đồng suốt vòng đời dự án cho đến khi nhà đầu tư hoàn đủ vốn mới bàn giao cho Nhà nước, vì vậy không còn tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong Luật PPP mà Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua, cần quy định cụ thể việc lựa chọn nhà thầu một cách minh bạch, mang tính cạnh tranh cao. Đồng thời, phải quy định cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó mới lựa chọn nhà đầu tư dự án...

Tuy nhiên, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Lê Huy Trọng nêu rõ, công tác đấu thầu chỉ góp một phần trong chuỗi công tác quản lý dự án, cũng như quản lý tài sản công và tài chính công của Nhà nước. Thực tiễn công tác kiểm toán cho thấy, thất thoát và lãng phí không chỉ nằm ở khâu đấu thầu...

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia khẳng định, điều quan trọng hơn cả là tính khả thi, kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án. Vì vậy, cần giao KTNN thực hiện kiểm toán toàn diện các dự án đầu tư PPP nhằm tạo sự ổn định, niềm tin cho nhà đầu tư, người dân và toàn xã hội. Qua kiểm toán cũng góp phần thúc đẩy công tác quản lý, quản trị công hướng tới mục tiêu minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực, an toàn và bền vững, bởi xét về bản chất, dự án PPP chính là tài sản công, có sử dụng tài chính công.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Minh bạch lựa chọn nhà thầu dự án PPP để ngăn thất thoát, lãng phí