Kỹ thuật số giúp doanh nghiệp đổi mới toàn diện

(BKTO) - Trong 5 năm qua, MIT Sloan Management Review và Deloitte đã tiến hành khảo sát các DN ở giai đoạn đầu, đang trong quá trình phát triển và đã hoàn thiện việc chuyển đổi kỹ thuật số, từ đó tìm ra những dấu hiệu khác biệt ngày càng gia tăng giữa các nhóm DN đã hoàn thiện và chưa hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng cách giữa các DN được hình thành là do cách mỗi DN tiếp cận với sự đổi mới công nghệ. Trong đó, các DN hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số đã đầu tư rất nhiều cho việc đổi mới, hơn nữa, họ còn đổi mới một cách khác biệt.



Đổi mới tạo thế mạnh cho doanh nghiệp

Cụ thể, MIT Sloan Management Review và Deloitte đã nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số dựa trên một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 4.800 nhà quản lý, giám đốc điều hành, nhà phân tích tại hơn 125 quốc gia trong 28 ngành nghề khác nhau và 14 cuộc phỏng vấn với các giám đốc điều hành, nhà lãnh đạo tư duy của các DN. Năm 2019, các DN được khảo sát được phân thành 1 trong 3 loại thuộc chuỗi hoàn thiện kỹ thuật số với kết quả cụ thể như sau: DN đang ở giai đoạn đầu của sự đổi mới (24%); DN đang đổi mới (44%) và DN đã hoàn thiện đổi mới (32%).

Cùng với đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, các DN hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số có mức đổi mới với tốc độ cao hơn nhiều so với các DN khác, phần lớn bằng cách nuôi dưỡng văn hóa đổi mới và cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ quá trình đó. Có tới 81% số người được hỏi từ các DN này coi sự đổi mới là một thế mạnh của DN, so với tỷ lệ chỉ 10% đối với các DN trong giai đoạn đầu đổi mới. Các DN đã hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào đổi mới và không ngừng hướng tới cải tiến kỹ thuật số. Nhân viên của các DN đã hoàn thiện kỹ thuật số cũng có tư duy đổi mới trong công việc rộng hơn. Số người trả lời khảo sát từ các DN đã hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số nhiều hơn gấp 5 lần so với các DN trong giai đoạn đầu đổi mới và họ chia sẻ rằng DN của mình cung cấp đầy đủ nguồn lực để nhân viên thực hiện đổi mới.

Hơn thế nữa, các DN hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số có nhiều khả năng hợp tác với các đối tác bên ngoài hơn so với các DN ít quan tâm đến việc đổi mới. Trong khi 80% cho rằng DN của họ xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức khác để tạo điều kiện cho sự đổi mới kỹ thuật số thì chỉ 1/3 các DN giai đoạn đầu đổi mới đang làm điều tương tự.

Khi được yêu cầu dự đoán liệu DN của họ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn hay thụt lùi trong tương lai, những người được hỏi từ các DN đã hoàn thiện kỹ thuật số và các DN ở giai đoạn đầu cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Những người ở DN đã hoàn thiện kỹ thuật số tin rằng DN của họ có khả năng thích ứng với những thay đổi do sự gián đoạn kỹ thuật số và mở rộng khả năng của họ, trong khi các DN chưa hoàn thiện nhìn nhận sự gián đoạn là hệ quả từ những nhân tố tác động của thị trường mà họ không thể kiểm soát.

Trong số những người trả lời khảo sát, điều mà họ lạc quan nhất là về triển vọng DN sẽ tích cực hơn nhờ vào xu hướng kỹ thuật số. Tuy nhiên, trong 3 ngành công nghiệp đa dạng, gồm: bảo hiểm, hàng tiêu dùng và xuất bản, vẫn có tới 1/3 số người được hỏi nói rằng DN của họ có thể sẽ bị mất lợi thế hơn hoặc sẽ không còn tồn tại trên thị trường do ảnh hưởng của xu hướng kỹ thuật số.

Thách thức trong quản lýnhân sự

Nghiên cứu của MIT Sloan Management Review và Deloitte cũng chỉ ra rằng, các DN hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số nhanh hơn và sáng tạo hơn cũng đòi hỏi công tác quản trị chặt chẽ hơn. Do đó, các DN cần có những chính sách có thể tạo ra những hàng rào bảo vệ vững chắc trong bối cảnh gia tăng quyền tự chủ trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, chỉ chính sách thôi là chưa đủ. Chỉ 35% số người được hỏi ở các DN đã hoàn thiện đổi mới cho biết DN của họ đang chia sẻ một cách đầy đủ những khía cạnh về ý nghĩa xã hội và đạo đức của kinh doanh kỹ thuật số.

Trong nội bộ, các DN hoàn thiện kỹ thuật số phụ thuộc vào các nhóm chức năng chéo để thúc đẩy các nỗ lực đổi mới của họ. Các giám đốc điều hành và quản lý tại các DN hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số cho biết, các nhóm chức năng này có tính tự chủ rất lớn trong cách thực hiện mục tiêu và được đánh giá như một tập thể riêng biệt, đồng thời nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo cấp cao của DN. Theo đó, một nhóm chức năng chéo thường bắt đầu với những người từ nhiều phòng, ban khác nhau, thay vì báo cáo cho những người quản lý cấp cao trong chính bộ phận mà họ được phân công thì họ có thể chịu trách nhiệm trước người quản lý dự án hoặc người điều hành đổi mới của DN. Lợi ích của các nhóm đa chức năng là giúp DN tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực, chẳng hạn như các quan điểm đa dạng, bộ kỹ năng rộng hơn và đặc biệt là khai thác những ý tưởng mới - điều này là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, hoạt động thông qua các nhóm chức năng chéo có thể đặt ra các thách thức mới trong việc quản lý DN. Hơn 1/2 số người được hỏi nhận định rằng, những vấn đề về sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm và văn hóa DN không hỗ trợ là rào cản lớn nhất mà các nhóm chức năng chéo phải đối mặt. Để vượt qua được những thách thức này, các DN phải đảm bảo sự hỗ trợ thông qua việc truyền thông rõ ràng đến các đối tượng nhân viên đa dạng.

Để đạt được sự hoàn thiện trong đổi mới kỹ thuật số, các nhà nghiên cứu cho rằng, DN cần nhìn xa hơn để thúc đẩy sự đổi mới; đánh giá lại cách DN trau dồi và hỗ trợ các nhóm chức năng chéo; nới lỏng hệ thống phân cấp phức tạp; thiết lập các rào cản đạo đức khi thúc đẩy sự đổi mới trong DN.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22-8-2019
Cùng chuyên mục
Kỹ thuật số giúp doanh nghiệp đổi mới toàn diện