Kiểm toán độc lập Việt Nam: Đón đầu xu hướng phát triển mới

(BKTO) - Kiểm toán độc lập (KTĐL) đã và đang thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của nhà đầu tư trên toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, KTĐL Việt Nam cần phải chuẩn bị những hành trang cần thiết để đón đầu xu thế phát triển mới. Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo “Tương lai của ngành Kiểm toán” do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.




Hội thảo “Tương lai của ngành Kiểm toán” Ảnh: ĐỨC THÀNH

KTĐL trước yêu cầuvà thách thức mới

Trình bày Báo cáo: “Tương lai của kiểm toán” do ACCA và Công ty TNHH Grant Thornton nghiên cứu, tổng hợp từ kết quả các hội nghị tại 7 quốc gia, ông Andrew Gambier - Trưởng Bộ phận Kiểm toán ACCA Anh quốc, cho biết 3 yếu tố ảnh hưởng đến tương lai của ngành Kiểm toán là: toàn cầu hóa, sự phá vỡ cách thức truyền thống và các chính sách quy định. Trong đó, toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của thế giới. Biểu hiện rõ nét của xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực KTĐL chính là sự thay đổi của các tiêu chuẩn, quy định trong các chuẩn mực quốc tế. Điều này đòi hỏi DN KTĐL phải nỗ lực tuân thủ các quy định theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Báo cáo trên còn phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về Báo cáo kiểm toán (BCKT). Theo đó, BCKT do các DN kiểm toán thực hiện phải đưa ra ý kiến “chấp nhận toàn phần” hoặc không chấp nhận toàn phần. BCKT cần giảm độ phức tạp, cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập các thông tin cần thiết; nhất là phải xây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư trên cơ sở cung cấp những vấn đề cốt lõi của Báo cáo tài chính. Các nhà đầu tư mong muốn có được những thông tin hữu ích, chi tiết hơn, đảm bảo sự trung thực, chính xác; những ảnh hưởng của các kết quả kiểm toán hay các phát hiện cảnh báo sớm và tư vấn có giá trị từ BCKT. Ngoài ra, nhà đầu tư còn mong muốn công ty kiểm toán cung cấp các dịch vụ mang tính khác biệt liên quan đến bảo hiểm, mô hình hoạt động và chất lượng báo cáo của DN…

Những kỳ vọng trên đặt ra nhiều thách thức đối với DN kiểm toán, nhất là những DN nhỏ và vừa. Theo khảo sát toàn cầu “Mô hình kinh doanh của các công ty hành nghề nhỏ và vừa” do VACPA và ACCA thực hiện, DN kiểm toán ở các nước, trong đó có Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận tài chính, tìm đối tác kinh doanh, tìm kiếm nhân lực, tăng giá phí và tuân thủ các quy định, chính sách.

“Kỳ vọng và thách thức từ thị trường kiểm toán đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải cập nhật các kỹ năng, thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Đây là chặng đường dài để KTĐL có thể thực hiện yêu cầu của DN” - ông Andrew Gambier nhận định.

Hành trang của KTĐLViệt Nam trong hội nhập

“Nắm bắt những thay đổi, thấy rõ hơn xu thế phát triển của thế giới và thách thức toàn cầu để bổ sung thêm các tiền đề, hướng tới xây dựng và phát triển bền vững ngành KTĐL Việt Nam” là vấn đề mà Chủ tịch VACPA Phạm Sỹ Danh nhấn mạnh tại Hội thảo.

Đặt trong xu thế phát triển của thế giới, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), nhận định: Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2009 đến nay. Bởi vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với DN kiểm toán Việt Nam là phải tuân theo thông lệ quốc tế khi thực hiện kiểm toán. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng BCKT, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào kết quả kiểm toán.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Việt Nam nên tuân thủ Chuẩn mực quốc tế một cách tuyệt đối hay vận dụng có chọn lọc? Trả lời câu hỏi này, ông Andrew Gambier cho rằng, Việt Nam không nên rập khuôn một cách máy móc các chuẩn mực quốc tế mà cần dựa vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế để học hỏi, áp dụng cho phù hợp.

Thực tiễn hoạt động KTĐL của Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhiều BCKT các DN niêm yết trên sàn chứng khoán không đảm bảo khách quan, trung thực hoặc chưa phát hiện ra các sai sót, gian lận, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, ngoài việc tuân thủ các Chuẩn mực kiểm toán, ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, khuyến nghị: Nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực, nhất quán của các kết quả kiểm toán, các DN cần nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm vào quá trình kiểm toán. Cùng với đó, KTV cũng cần phải nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp.

Hội nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) cho phép kiểm toán là 1 trong 8 ngành nghề được di chuyển tự do trong khu vực. Để KTV Việt Nam có thể cạnh tranh với KTV các nước, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh tới vấn đề đào tạo, tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề cho KTV cũng như công tác chuẩn bị đội ngũ kế cận. Tổng Thư ký VACPA Trần Khánh Lâm đề nghị các trường đại học xem lại hệ thống đào tạo để sinh viên ngành kiểm toán sau khi tốt nghiệp thực sự là sản phẩm đầu vào của các công ty kiểm toán. Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh đầy thử thách với DN kiểm toán của khu vực, “Nhà nước phải có biện pháp giúp các DN kiểm toán nhỏ và vừa Việt Nam có đủ điều kiện để hội nhập một cách sòng phẳng”- ông Phạm Sỹ Danh khuyến nghị.

Kỳ vọng vào khả năng tăng cường sức mạnh của KTĐL Việt Nam trong hội nhập, ông Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN), mong muốn KTĐL và KTNN có sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc hơn nữa để nâng cao chất lượng BCKT, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của các bên.

Những khuyến nghị trên là hành trang cần thiết cho ngành KTĐL trên con đường hội nhập, đón đầu xu thế phát triển mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

NGỌC MAI
Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chưa đạt mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 21/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành phần lớn thời gian nghe và thảo luận về: Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
  • Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3. Việc sửa đổi Luật được kỳ vọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; đồng thời thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp về tài sản công; tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
  • Làm rõ quyền và trách nhiệm phối hợp trong lập, xây dựng các báo cáo về NSNN
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) và phê chuẩn quyết toán NSNN (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11). Dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm mới quan trọng, đặc biệt đã bổ sung quyền và trách nhiệm tham gia, phối hợp của KTNN trong quá trình lập, thẩm tra, trình Quốc hội báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều6/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Vientiane, Lào, Hội nghị Cấp caoASEAN lần thứ 28-29 đã khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước thành viênASEAN, mở đầu cho 11 Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác diễnra từ ngày 6-8/9. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấpcao Việt Nam tham dự các Hội nghị quan trọng này.
  • “Những nỗ lực của KTNN trong giai đoạn vừa qua đã tạo tiếng vang rất tốt…”
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Lược ghi ý kiến của Phó Chủnhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng tại buổi làm việccủa Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với KTNN.
Kiểm toán độc lập Việt Nam: Đón đầu xu hướng phát triển mới