Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?

(BKTO) - Chính phủ, giới chuyên gia và DN đang trăn trở tìm giải pháp để trả lời cho vấn đề này. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam nên thực hiện song hành chính sách phòng, chống dịch Covid-19 với phát triển kinh tế. Chính sách hỗ trợ người dân và DN phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực.



GDP sẽ tăng trưởng âmnếu dịch Covid-19 kéo dàitới quý IV

Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020 do VEPR vừa tổ chức, PGS,TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của VEPR - đánh giá: Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trên toàn cầu, quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,82%, dù chỉ bằng khoảng hơn 1 nửa cùng kỳ các năm trước nhưng vẫn tích cực so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Cũng theo VEPR, tổng thu NSNN năm nay có thể không đạt kế hoạch do kết quả kinh doanh của DN và thu nhập của người lao động đều sụt giảm; sự thắt chặt đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, tổng chi có thể tăng vượt dự toán bởi các khoản chi phòng, chống dịch. Dự kiến, thu ngân sách có thể giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng 1,5 - 1,6 điểm phần trăm lên 5 - 5,1% GDP.

Dựa trên khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, VEPR đã xây dựng 3 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, với kịch bản lạc quan nhất, nếu tác động xấu nhất của dịch Covid-19 rơi vào quý II thì nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục từ nửa cuối quý II; từ quý III đến hết năm, các ngành có thể trở lại mức tăng trưởng như những năm gần đây. Khi đó, tăng trưởng kinh tế quý II sẽ -3,3, quý III là 7,2, quý IV là 7,4 và cả năm là 4,2%.

Nguồn: Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2020 của VERP

Với kịch bản thứ 2, nếu tác động xấu nhất của dịch Covid-19 rơi vào quý II và quý III thì nền kinh tế bắt đầu hồi phục từ nửa cuối quý III. Khi đó, mức tăng trưởng của các quý II, III, IV sẽ lần lượt là -4,9; -1,1; 7 và cả năm là 1,5%. Theo kịch bản này, từ quý IV, các ngành kinh tế có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây.

Xấu nhất là kịch bản thứ 3, nếu dịch Covid-19 kéo dài tới tận quý IV thì nửa cuối quý này, nền kinh tế mới bắt đầu hồi phục. Với kịch bản này, tăng trưởng của quý II sẽ -5,1; quý III -5,3, quý IV là 2,8 và cả năm sẽ -1%.

Theo VEPR, với bất kỳ kịch bản nào, sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn cho đến khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được đại dịch. Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc nghiên cứu thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị virus Corona của thế giới. Hơn nữa, con số tăng trưởng GDP của Việt Nam không thể hiện hết những khó khăn của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề so với những đợt suy thoái trước đây.

Phòng, chống dịch phảisong hành với hỗ trợ,phát triển kinh tế

Khuyến nghị những chính sách trong thời gian tới, VEPR cho rằng, các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cụ thể, Việt Nam nên xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách theo các cấp độ về bệnh dịch như chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”. Trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các DN còn khả năng hoạt động, có phương án vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan như một số địa phương. Đồng thời, cần ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai bởi dịch Covid-19.

Đối với nhóm DN bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động, cần phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ như: hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế giá trị gia tăng; ưu đãi vốn vay nhưng phải bảo đảm phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu. Với nhóm DN ít hoặc không bị ảnh hưởng hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, cần tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành bởi đây là nhóm "gánh đỡ" cho cả nền kinh tế trong giai đoạn này. Nhóm DN bị ngưng hoạt động bởi dịch Covid-19 cần được khoanh/ngưng các chi phí tài chính. Sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế, nếu DN hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng bởi chính sách giãn, thậm chí miễn các loại thuế không có tác dụng với nhóm DN này.

Cùng với đó, VEPR nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt, phát hành trái phiếu, tiền đã có trong Kho bạc Nhà nước như Dự án Đường cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành; nên chia nhỏ thành các gói thầu cho nhiều DN, địa phương tham gia để tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế; cho phép chuyển từ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sang đầu tư công đối với một số dự án. Đồng thời, không mở ra những dự án đầu tư công mới hay các khoản đầu tư công ở cấp địa phương.

Đồng thời, khu vực Chính phủ thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%, cắt giảm hội họp, công tác nước ngoài, thậm chí có thể giảm lương để đồng hành với nền kinh tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Nhóm chuyên gia của VEPR cũng cho rằng, Việt Nam đã tập trung ứng phó với dịch Covid-19, tuy nhiên, phòng, chống dịch phải song hành với phát triển kinh tế. Các chính sách hỗ trợ kinh tế thời điểm này cần tính tới quy mô, tốc độ và đích ngắm, nếu không, các DN nhỏ và vừa, hộ gia đình, thậm chí các tập đoàn kinh tế lớn sẽ đối mặt với khó khăn hơn nữa khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như: giữ nền tảng vĩ mô ổn định, từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng, chống những cú sốc như Covid-19, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Trung Quốc.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?