Hàng tỷ USD có thể bị thất thoát từ “kẽ hở” của chính sách thuế tài nguyên

(BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một chính sách thuế tài nguyên không hợp lý có thể gây thất thoát hàng tỷ USD ngân sách mỗi năm. Thực tế đã cho thấy, sản lượng khai thác kim cương toàn cầu có thể lớn gấp đôi so với sản lượng báo cáo một cách chính thống; một nửa dòng tiền bất hợp pháp ở Châu Phi liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ; Zambia mất 2 tỷ USD (tương đương 10% GDP) chủ yếu từ lĩnh vực khai thác mỏ (năm 2012); Indonesia mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; và theo đánh giá của tổ chức Global Financial Integrity được thực hiện vào năm 2014 đối với 5 quốc giàu tài nguyên, tỷ lệ thất thu ngân sách do trốn và tránh thuế chiếm từ 5-25% GDP.




Ở Việt Nam, dù được đánh giá đứng thứ 7 khu vực Châu Á Thái Bình Dương về khai thác dầu thô; đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc, 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% tổng sản lượng barite trên thế giới; song, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt từ 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước (2011-2013). Thậm chí, tại nhiều địa phương, số thu này không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản.

Mỗi năm, 1 tỷ USD có thể bị thất thoát

Trước sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, năm 1990 Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Trong hơn 17 năm thực thi, Pháp lệnh này đã được sửa đổi 2 lần vào các năm 1998 và 2008. Đến năm 2009, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Thuế tài nguyên thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sách thuế tài nguyên (TN) vẫn còn nhiều bất cập, tạo “kẽ hở” để doanh nghiệp trốn và tránh thuế.

Giám đốc PanNature, ông Trịnh Lê Nguyên cho biết, theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2013, số thu thuế TN ngoài dầu khí chỉ đạt từ 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Như vậy, có thể thấy, đóng góp từ thu thuế TN chưa thực sự tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư cũng như sức tàn phá về môi trường.


Ông Emanuel Bria, Viện Quản trị tài nguyên Hoa Kỳ nhận định, các số liệu về thu thuế TN ở Việt Nam cho thấy mức độ thất thu ngân sách từ hoạt động này khá cao. Đối với nhiều quốc gia, tỷ lệ thất thu trong khai thác TN từ 5-25% GDP. Nếu lấy tỷ lệ thấp nhất là 5% GDP, thì hàng năm Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ USD ngân sách do các kẽ hở của chính sách thuế TN và quản lý thu chưa tốt.

Hiện nay, thuế TN được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Giá bán thuế TN chủ yếu do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Nhìn chung, việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế còn rất yếu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường chưa hiệu quả. Việc khai thác và xuất khẩu TN trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây thất thu ngân sách - PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho biết.

Thậm chí, từ góc độ của nhà sản xuất, ông Hoàng Ngọc Thao, Công ty Apatit Việt Nam còn cho rằng, cách tính thuế TN không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Cụ thể, quy định về giá tính thuế TN không khuyến khích sử dụng các loại quặng chất lượng thấp do chi phí chế biến cao và không được khấu trừ khi tính thuế. Thực tế hoạt động của Công ty Apatit Việt Nam cho thấy, công ty gần như không có lãi khi khai thác quặng nghèo. Xu hướng “xơi nạc, bỏ xương” là khó tránh, gây lãng phí tài nguyên rất lớn.

Cùng với đó, việc áp dụng khung thuế suất theo quy định của Luật Thuế tài nguyên không hợp lý. PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam bình luận: Lâu nay việc áp dụng khung thuế suất có phạm vi dao động rất lớn giữa mức thấp nhất và cao nhất (từ khoảng 2 đến hơn 6 lần tùy loại khoáng sản) đã bị áp dụng để điều chỉnh tăng thoải mái thuế suất từ thấp đến cao theo thời gian, trong khi lẽ ra phải được vận dụng để điều chỉnh mức thuế suất phù hợp cho các mỏ khoáng sản có mức độ khó khăn, thuận lợi khác nhau.

Từ những “kẽ hở” này, theo bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, doanh nghiệp có nhiều cách thức để trốn và tránh thuế như: Khai báo sản lượng khai thác thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng (đối với loại khoáng sản thu theo hàm lượng các chất) và thiết lập giá bán thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ về các kim loại quý hiếm có thể thu hồi được; kê khai khống các chi phí; lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế (chuyển khoáng sản từ vùng không có ưu đãi về thuế sang vùng có ưu đãi về thuế để giảm bớt khoản phải nộp cho Chính phủ); chuyển giá (đặc biệt ở những công ty đa quốc gia).

Bà Thủy dẫn chứng: Mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) được cấp phép khai thác từ rất lâu với mức ưu đãi thuế TN 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp 18%, đặc biệt doanh nghiệp vừa được xuất khẩu, vừa được tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, mỏ vàng Phước Sơn lại áp thuế TN là 15% giá trị sản phẩm, thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm tới 40% lợi nhuận thu được và chỉ được phép xuất khẩu. Vì được cấp phép vào hai thời điểm khác nhau, nên chính sách ưu đãi đối với 2 mỏ vàng này cũng khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, 2 mỏ vàng đều thuộc 2 công ty của Tập đoàn BESRA, Canada. Như vậy, về bản chất, 2 mỏ vàng cùng một chủ sở hữu. Thực tế, đã có một lượng vàng không nhỏ từ Phước Sơn được chuyển sang Bồng Miêu để hưởng ưu đãi về thuế suất và phân phối. Sự việc này đã xảy ra từ rất nhiều năm nhưng chỉ mới được phát giác từ năm 2014. Qua đây, có thể hình dung trong thực tế, hệ thống thu thuế TN có quá nhiều “kẽ hở” và doanh nghiệp hoàn toàn có thể lợi dụng những “kẽ hở” này để giảm bớt khoản phải nộp cho ngân sách nhà nước.

Giải pháp nàođể lấp đầy “kẽ hở”?

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng chính sách tài chính là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản trị TN. Theo ông Emanuel Bria, chế độ tài chính là công cụ để quyết định việc chia sẻ nguồn lợi TN giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Để tránh thất thu, các chính sách tài chính phải đơn giản, rõ ràng và phù hợp. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp quản lý thuế tốt, như việc tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia.

Trên phương diện cơ quan trực tiếp thu thuế TN, đại diện Cục thuế Yên Bái đề nghị, việc quy định sản lượng tính thuế TN phải dựa trên tổng trữ lượng khoáng sản cho phép khai thác được phê duyệt. Mặt khác, cần thực hiện thống nhất giá tính thuế TN với giá tính tiền cấp quyền khai thác. Việc xác định giá tính thuế cũng cần được áp dụng đối với TN xuất khẩu để không đi ngược lại chính sách khuyến khích chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tận dụng hết TN đã được cấp phép khai thác.

Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp khai thác TN, ông Hoàng Ngọc Thao kiến nghị: Chúng ta cần ban hành biểu thuế riêng cho từng loại quặng, có tính đến việc ưu tiên cho các loại quặng nghèo khai thác ra không tiêu thụ được ngay.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu khoáng sản trong nước, ông Nguyễn Cảnh Nam cho rằng, chúng ta nên áp dụng mức thuế suất thấp hơn cho phần sản phẩm khoáng sản tiếp tục chế biến sâu trong nước và mức thuế suất cao hơn cho phần sản phẩm khoáng sản cùng loại đem xuất khẩu.

Theo bà Trần Thanh Thủy, để khắc phục các “kẽ hở” của chính sách thuế TN, Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng các sáng kiến quốc tế về quản lý thuế, mà cụ thể là sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Hiện nay, đã có 49 quốc gia tham gia sáng kiến này, trong đó có những quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Na Uy. Nguyên tắc của EITI là doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ cùng công khai thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác từ cấp phép, giám sát sản xuất, thu thuế, phân bổ nguồn thu và quản lý chi tiêu. Các số liệu này được đối chiếu và đưa vào báo cáo EITI. EITI tạo cơ chế so sánh và đối chiếu thông tin hiệu quả giữa các doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ công tác quản lý thu cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đối với thu ngân sách, EITI sẽ giúp thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan; tạo ra một cơ sở dữ liệu đồng bộ từ cấp phép, khai thác, tiêu thụ, xuất khẩu, giá bán đến nộp thuế; cung cấp đủ thông tin để phục vụ đối chiếu, so sánh và từ đó xác định được các vấn đề; tạo ra cơ chế tự giám sát giữa những người nộp thuế và cơ quan thu thuế, qua đó góp phần thay đổi hành vi của người nộp thuế. Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho hay, Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006, nhưng sau 10 năm xem xét, chúng ta vẫn chưa tuyên bố tham gia sáng kiến này.
Hy vọng rằng, với việc tiếp cận EITI cũng như các giải pháp mới, con đường để lấp đầy những “kẽ hở” trong chính sách thuế TN sẽ không còn nhiều gập ghềnh...

HỒNG ANH
Theo Đặc san Kiểm toán số 48 ra tháng 6/2016
Cùng chuyên mục
Hàng tỷ USD có thể bị thất thoát từ “kẽ hở” của chính sách thuế tài nguyên