EVFTA nâng quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới

(BKTO) - Vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Như vậy, Việt Nam trở thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU, dù xuất phát điểm Việt Nam là quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.



Thắt chặt hợp tác kinh tếsong phương

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái bình luận, việc EVFTA được phê chuẩn cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

EU vốn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Từ năm 2000 đến năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần. Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD.

Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới đang được mở ra nhờ EVFTA, đồng thời còn giúp Việt Nam có động lực nâng cao năng lực ứng phó với những khó khăn, thách thức.

Với gần 100% biểu thuế được xóa bỏ và giá trị thương mại hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, nông - thủy sản, đồ gỗ… được đánh giá là rất lớn. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết cho tới nay - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay mới chỉ có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA cũng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam và từng nước thành viên EU có thể phát triển cơ hội hợp tác ngày càng đi vào thực chất, bền vững hơn.

Doanh nghiệp cần sẵn sàngđón đầu cơ hội

Đưa ra số liệu dự tính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019-2023); 4,57 - 5,3% (năm 2024-2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029-2033).

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam và ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Khẳng định EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam nếu có sự chuẩn bị tốt, tâm thế sẵn sàng đón đầu lợi ích của EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Việc chuẩn bị để đón đầu lợi ích của EVFTA nên được DN tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất. Đáng lưu ý, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, DN cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

Hơn nữa, DN cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để EVFTA sớm được Quốc hội phê chuẩn. Công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đang được gấp rút tiến hành. EVFTA được coi là cầu nối quan trọng nâng quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới, hơn nữa còn là trục nối phát triển kinh tế Tây bán cầu với phía Đông.
         
EVFTA đã được phê chuẩn, nhưng theo quy định của EU, Hiệp định sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
EVFTA nâng quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới