Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): 5 vấn đề cần được làm rõ

(BKTO) - Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 cùng với các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý các hoạt động đầu tư công; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công… Tuy nhiên, sau hơn 3 năm có hiệu lực, Luật đã phát sinh không ít hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vẫn còn một số bất cập cần phải được làm rõ.



Giao kế hoạch vốn chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản cao

Kết quả kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc chấp hành Luật Đầu tư công trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, sai sót, cụ thể:

Về công tác giao kế hoạch vốn: Năm 2015, sau ngày 20/12, Bộ KH&ĐT đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển 11 lần, còn năm 2016 là 3 lần. Điều này không đúng với quy định tại Khoản 6, Điều 66, Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, năm 2015, Chính phủ giao chậm 30.000 tỷ đồng kế hoạch vốn ngoài nước được Quốc hội bổ sung (đến ngày 21/4/2017 mới giao).

Bộ KH&ĐT giao kế hoạch vốn năm 2016 cho 967 dự án khởi công mới, bằng 17,44% tổng số dự án được giao (5.545 dự án), trong khi còn 37 dự án hoàn thành, bàn giao trước ngày 31/12/2015 và 6 dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 không được giao đủ vốn, chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016.

Về nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB): Theo kết quả kiểm toán niên độ ngân sách năm 2016 số nợ XDCB nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) của các địa phương chưa được tổng hợp báo cáo (số nợ XDCB nguồn ngân sách T.Ư đến ngày 15/02/2017 là 9.600 tỷ đồng). Một số Bộ, ngành và địa phương còn để phát sinh nợ đọng XDCB 14.614 tỷ đồng, trong đó, số nợ này của Bộ, ngành là 26 tỷ đồng, địa phương là 8.280,9 tỷ đồng và dự án đầu tư là 6.307,1 tỷ đồng. Cụ thể là: Đại học Quốc gia TP. HCM nợ 16,9 tỷ đồng; tỉnh Hà Giang 1.925,4 tỷ đồng; Thái Bình 1.717,1 tỷ đồng; Lào Cai 877,5 tỷ đồng; Quảng Nam 801,9 tỷ đồng; TP. Hải Phòng 446,3 tỷ đồng; Phú Thọ 430,9 tỷ đồng...

Ngoài ra, tỷ lệ nợ đọng XDCB đến hết ngày 31/12/2016 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 của một số địa phương còn lớn, như: tỉnh Hà Nam lên tới 456,8% với 6.142,6/1.344,8 tỷ đồng; con số này của tỉnh Hà Giang là 159,1% với 4.092,9/2.572,7 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình là 132,6% với 3.740,9/2.820,4 tỷ đồng; TP. Hải Phòng là 82,5% với 3.413,3/4.137,6 tỷ đồng;...

Bên cạnh đó, TP. Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Lào Cai chưa xây dựng phương án và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung, cụ thể hóa 5 vấn đề

Những vấn đề nêu trên cơ bản đã được Bộ KH&ĐT tiếp thu, sửa đổi tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ ngày 16/8/2018. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, Dự thảo này vẫn còn một số bất cập cần phải trao đổi và làm rõ:

Một là, về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án, Khoản 6, Điều 52 Dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung: “Chính phủ quy định mức vốn dự phòng, thời điểm sử dụng và mức vốn dự phòng được sử dụng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn”.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính chủ động trong việc sử dụng mức vốn dự phòng, đề nghị bổ sung: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thời điểm và mức vốn sử dụng đối với dự phòng thuộc nguồn vốn cân đối NSĐP và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSĐP. Người đứng đầu các Bộ, cơ quan T.Ư quyết định thời điểm và mức vốn sử dụng đối với dự phòng thuộc nguồn vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN của các Bộ, cơ quan T.Ư”.

Hai là, về điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm, Khoản 4, Điều 55 Dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung: “Dự án khởi công mới chỉ được bố trí vốn sau khi đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, có dự kiến kế hoạch bố trí vốn và đáp ứng tỷ lệ giải ngân tối thiểu trong năm đầu khởi công theo quy định của Chính phủ, tương ứng với phân loại và quy mô dự án quy định tại các điều 7, 8, 9, 10 của Luật này”.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định tỷ lệ bố trí vốn tối thiểu cho các dự án khởi công mới. Để tránh dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, Dự thảo Luật nên sửa đổi theo hướng quy định cụ thể về số vốn bố trí tối thiểu cho các dự án khởi công mới (như trước đây Chỉ thị số 1792/CT-TTg đã quy định là: 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C so với tổng vốn đầu tư được duyệt).

Ba là, về vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Điều 56 Dự thảo Luật quy định cụ thể đối với vốn chuẩn bị đầu tư: “Vốn chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”.

Tuy nhiên, việc bố trí vốn sẽ khó thực hiện được do Điều 55 Dự thảo quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là “Chương trình, dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch đầu tư công 3 năm, trừ dự án khẩn cấp...”. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cần nghiên cứu, xem xét bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án trung hạn giai đoạn sau sớm trước 2 năm để có căn cứ trình Chính phủ và Quốc hội về danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn sau.

Bốn là, về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Khoản 1, Điều 76 Dự thảo Luật quy định thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31/01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau và bổ sung thời điểm cụ thể cho thời gian giải ngân kế hoạch vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài đến ngày 31/01 năm sau là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp đặc biệt và cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian giải ngân.

Năm là, Dự thảo cần bổ sung quy định tiêu chí về dự án quan trọng quốc gia. Hiện nay, Khoản 2, Điều 60 Luật Xây dựng đã quy định: “Đối với dự án sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, vốn đầu tư phát triển của DNNN, vốn từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, DNNN góp vốn để đầu tư xây dựng thì thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia…”.

Tuy nhiên, Điều 7 Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa quy định tiêu chí về dự án quan trọng quốc gia đối với các nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh do đây là nợ công. Vì vậy thời gian qua, có những dự án được Chính phủ bảo lãnh trên 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn do người có thẩm quyền tại các DNNN quyết định đầu tư.
TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 23-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý tài chính công
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Hội nghị quốc tế về “Quản lý tài chính công tại Việt Nam” do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn Kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách tài chính công. Tuy nhiên, quá trình cải cách vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố chưa ổn định; chất lượng, hiệu quả và tính bền vững chưa cao.
  • Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về nhiều nội dung quan trọng
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong hai ngày 24 - 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về 10 nội dung quan trọng. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng.
  • Thường trực Chính phủ họp về công tác tổ chức Hội nghị WEF ASEAN
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về công tác tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), được xem là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm 2018 của Việt Nam.
  • Thủ tướng nêu một số "đầu bài" cho Tổ Tư vấn kinh tế
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn kinh tế chủ động phân tích, thấy được những khó khăn bên trong và bên ngoài, từ đó, góp ý về các cơ chế chính sách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững; có tư vấn về chiến lược phát triển, nhất là các động lực mới, các nhân tố mới, các "dư địa" cần tập trung để phát triển.
  • KTNN tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy KTNN, ngày 23/8, tại trụ sở KTNN (Hà Nội), các KTNN chuyên ngành: Ia, II, III, V đã phối hợp tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động của đơn vị.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): 5 vấn đề cần được làm rõ