Đối phó với các hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế

(BKTO) - Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng nói riêng đang có thêm nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi do các FTA mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những trở ngại trong giao thương quốc tế do các hàng rào phi thuế quan được các nước dựng lên.



Kim ngạch xuất khẩutăng trưởng cao, thị trường rộng mở

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam có tới 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc - New Zealand.

Đặc biệt là Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như: Hoa Kỳ (năm 2017 xuất siêu 32,24 tỷ USD thì tới năm 2018 đã xuất siêu 34,7 tỷ USD); EU (năm 2017 xuất siêu 26,14 tỷ USD đã tăng lên 28,7 tỷ USD vào năm 2018). Cán cân thương mại năm 2018 đã duy trì xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục.

Dựa trên cơ sở thực hiện năm 2018 và dự báo tình hình năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2019 đạt 265 tỷ USD, tăng 8 -10% so với năm 2018; nhập siêu ước 3 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.

Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng và cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của các DN Việt Nam là rất lớn nếu các DN tìm hiểu, nắm bắt thật kỹ các quy định kỹ thuật của các nước, có giải pháp phù hợp để đối phó với các hàng rào phi thuế quan đang có xu hướng ngày càng tăng trong giao dịch quốc tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), có 9 biện pháp phi thuế quan chính được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Trong đó, tỷ lệ các nước sử dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật là 37,5%; rào cản kỹ thuật đối với thương mại là 37,5%; kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển và các thủ tục khác là 1,3%; các biện pháp cấp phép không tự động, cấm hạn ngạch là 2,4%...

Hàng rào phi thuế quan gây trở ngại cho doanh nghiệp

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, các DN Việt Nam khi thực hiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn phải đối mặt với các loại rào cản phi thuế quan, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DN. Hiện nay, các DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc đối phó với rào cản phi thuế quan đối với ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may sang Hoa Kỳ, da giày sang EU, thủy sản sang Nhật Bản.

Trước thực tế này, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, các DN Việt cần phải nắm bắt, hiểu rõ và có biện pháp để vượt qua các hàng rào phi thuế quan mà mỗi Chính phủ, ngành, DN nước ngoài đặt ra. Tuy nhiên, ông Chiến nhìn nhận, quy mô của nhiều DN Việt Nam còn nhỏ, chưa đủ năng lực để hiểu rõ về các rào cản phi thuế quan trong giao dịch thương mại. Việc hạn chế về nhận thức sẽ dẫn đến những thiệt hại trong kinh doanh và xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ông Vianney Lesaffre - chuyên gia Trung tâm Thương mại quốc tế - nêu rõ, ở Việt Nam, số lượng DN nhỏ và vừa đang chiếm phần lớn và chỉ có 10% số DN này có khả năng xuất khẩu trực tiếp, còn lại là xuất khẩu qua trung gian và sản xuất gia công. Mặt khác, hầu hết DN nhỏ và vừa Việt Nam có nguồn tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất mới hạn chế và rất ít DN tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, năng lực tiếp cận cũng như thoả mãn các rào cản phi thuế quan tại các thị trường nước ngoài rất thấp.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam về các vấn đề phi thuế quan trong giao dịch quốc tế, vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm Thương mại quốc tế đã phối hợp triển khai Khóa huấn luyện: “Đối phó với các hàng rào phi thuế quan và sử dụng công cụ phân tích thị trường”. Khóa huấn luyện nằm trong khuôn khổ “Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại” triển khai trong 2 năm 2019-2020”.

Ông Hoàng Minh Chiến cho biết, qua Khóa huấn luyện, các tổ chức và DN Việt Nam có thể tìm hiểu thực trạng, nhận thức rõ về các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế, từ đó xác định nhu cầu và đưa ra các giải pháp triển khai hoạt động kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tránh được những rủi ro trong xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Bộ Công Thương), để đối phó với các rào cản phi thuế quan trong hoạt động xuất, nhập khẩu, các DN cần tìm hiểu thông tin về các biện pháp phi thuế quan áp dụng tại thị trường xuất khẩu, nhất là tại các thị trường vừa thay đổi về chính sách thương mại, từ đó tính toán chi phí, lợi ích trong hoạt động thương mại.
         
Rào cản phi thuế quan là các rào cản ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa quốc tế được các nước dựng lên nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất cũng như người tiêu dùng nội địa. Rào cản thuế quan bao gồm nhiều loại khác nhau như: các biện pháp cấm, hạn ngạch về số lượng, giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động vật; các quy định về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa…
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019
Cùng chuyên mục
Đối phó với các hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế