Đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập: Chỉ có thể đạt mục đích khi quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

(BKTO) - Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16). Ngay trong năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị này. Điều đó cho thấy, việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đang trở thành một yêu cầu cấp bách. Phóng viên Đặc san Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, một trong những người trực tiếp soạn thảo chính sách trên.



Thưa ông, xin ông cho biết đâu là lý do thúc đẩy Chính phủ phải nhanh chóng đưa ra chủ trương đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL?

Thực tiễn cho thấy, chính sách tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy vậy, kết quả này mới chỉ tập trung tại một số đơn vị năng động, sáng tạo và có lợi thế về uy tín trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc ở một số ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao. Theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, đến nay tỷ lệ các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn thấp (chiếm khoảng 3,7%/tổng số các đơn vị SNCL của cả nước). Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị này còn chậm, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá.

Việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công còn chưa rõ ràng, chưa hiệu quả, chưa đồng bộ. Đáng lưu ý, một số chính sách được xem là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị SNCL (chính sách về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công như học phí, viện phí) cũng như nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành hiện đã lạc hậu hoặc còn thiếu, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa thực sự gắn kết giữa việc giao nhiệm vụ và giao kinh phí. Một số đơn vị SNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ (liên doanh, liên kết) còn chạy theo số lượng dịch vụ mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, thậm chí còn lạm dụng kỹ thuật để tăng thu. Đồng thời, vấn đề khoảng cách giữa vùng, miền, giữa trung ương với địa phương vẫn chưa được giải quyết nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp còn hạn chế.

Tình trạng trên xảy ra là do công tác tuyên truyền cũng như triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế quản lý và phương thức hoạt động chưa được đổi mới đồng bộ. Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên mang tính bình quân nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước...

Chính vì thế, yêu cầu đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, với mục tiêu khắc phục những hạn chế như đã nêu, đồng thời từng bước hoàn thiện thể chế về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL, phát triển hoạt động sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy xã hội hoá đối các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Hiện nay cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị SNCL đang có những cách hiểu khác nhau. Ông có thể cho biết quan điểm chính thức của Bộ Tài chính về vấn đề này?

Theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị SNCL tại Nghị định 16, cơ cấu và phương thức của NSNN được quy định cụ thể như sau:
Những đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do Nhà nước quy định đều phải tự cân đối thu chi, NSNN không hỗ trợ.

Những đơn vị được Nhà nước giao cung cấp dịch vụ công theo giá, phí mà chưa tính đủ chi phí sẽ được hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình. NSNN chỉ đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị được Nhà nước giao dự toán theo nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người trong các lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, y tế dự phòng, văn hoá, thể dục, thể thao, bảo đảm xã hội, sự nghiệp kinh tế..., trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, Nhà nước thực hiện phương thức hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo để "mua" dịch vụ sự nghiệp công từ thị trường.

Điểm mới trong Nghị định này là thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ, đầu tư NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ SNCL như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ dựa trên số lượng và chất lượng dịch vụ đơn vị cung cấp, trong đó khuyến khích đẩy mạnh thực hiện phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh, minh bạch trên cơ sở không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.

Như ông đã trao đổi, việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị SNCL là cần thiết, tuy nhiên nhiều đơn vị trong số đó thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế, có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ an sinh xã hội. Vậy, vấn đề tự chủ và an sinh xã hội trong những lĩnh vực này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế, Bộ Tài chính đã thống kê những hoạt động cần NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện dịch vụ. Đối với các hoạt động còn lại, NSNN đảm bảo một phần chi phí thực hiện dịch vụ chưa tính vào giá theo lộ trình giá. Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có trách nhiệm giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền cho các cơ quan quản lý trực thuộc giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ, xây dựng và ban hành các định mức phân bổ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và các quy định về tài chính hiện hành.

Việc tinh giản biên chế trong quá trình đổi mới hoạt động của các đơn vị SNCL là cơ sở để tổ chức lại hệ thống các đơn vị này, thế nhưng sự dôi dư lao động cũng có thể phát sinh. Theo ông, vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?

Việc tinh giản biên chế trong các đơn vị SNCL được thực hiện theo chính sách chung về tinh giản biên chế. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì các hoạt động, như: thành lập mới trường và tổ chức y tế, tăng lớp, tăng học sinh, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp nhưng phải quản lý chặt chẽ.

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị SNCL phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với đơn vị SNCL có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ NSNN bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp...

Để quá trình đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL được đẩy nhanh và đạt kết quả cao nhất, theo ông, chúng ta cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào?

Hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị định 16 đã đạt được một số kết quả như: Chính phủ đã ban hành 7 Nghị định trong các lĩnh vực (giáo dục và đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác); ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công, quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL; một số Bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn đơn vị trực thuộc.

Để tập trung thúc đẩy quá trình này đạt kết quả cao nhất và nhanh nhất, theo chúng tôi, cần phải thực hiện 8 nhóm giải pháp sau:

Một là, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ và toàn diện các quy định của Nghị định 16.

Hai là, gắn cơ chế hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ SNCL với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn, cụ thể rõ ràng hơn về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế. Xây dựng và ban hành tiêu thức, phương pháp đánh giá kết quả sử dụng kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng hoạt động sự nghiệp của đơn vị SNCL.

Ba là, xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển đầy đủ các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực sự nghiệp, quy hoạch đất đai; có chính sách khuyến khích ưu đãi cao hơn đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, hoàn chỉnh hệ thống chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và thúc đẩy các đơn vị SNCL hoạt động có hiệu quả, nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, không phải nhận kinh phí hỗ trợ từ NSNN.

Năm là, sắp xếp lại đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không có vai trò thiết yếu, những đơn vị cung cấp các sản phẩm dịch vụ hoạt động không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đặt ra, chất lượng sút kém liên tục, thường xuyên thua lỗ (khi đã được các thành phần kinh tế khác cung cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu xã hội); đồng thời, có chính sách đảm bảo quyền lợi chính đáng đối với cán bộ, viên chức trong đơn vị.

Sáu là, đổi mới chính sách và phương thức quản lý tài chính, cụ thể là cơ cấu lại chi và đổi mới phương thức đầu tư của NSNN. Nhà nước tập trung đầu tư đối với các lĩnh vực sự nghiệp công trọng yếu, phù hợp với khả năng của NSNN và thực hiện cơ cấu lại chi NSNN đối với từng lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Từng bước tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Bảy là, đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Vấn đề thực hiện các giải pháp tự chủ tài chính theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa gắn với quá trình tái cơ cấu chi NSNN đối với các đơn vị SNCL phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp (giáo dục đại học, y tế...), tuy nhiên, việc này đang thực hiện rất chậm. Đây là các lĩnh vực có tác động xã hội rất lớn và có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải đẩy tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng nói trên sát với lộ trình, đảm bảo tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, tránh tác động mạnh đến mặt bằng giá và lạm phát.

Cùng với đó, phải thực hiện tốt chính sách để người nghèo tiếp cận được các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu (như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đối tượng được vay vốn để đi học…), khuyến khích, cấp học bổng cho học sinh nghèo, học sinh học tập đạt kết quả tốt, khuyến khích các DN và cá nhân xây dựng quỹ xã hội, quỹ từ thiện…

Tám là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phân loại danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo hướng: đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, Nhà nước ban hành danh mục, quy định lộ trình tính giá dịch vụ phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân; đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN, đơn vị tự xác định giá theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách.

Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả đổi mới các đơn vị SNCL lần này?

Để thực hiện có kết quả các yêu cầu đổi mới nêu trên, bên cạnh sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động đề xuất của Bộ Tài chính, cần có sự tham gia tích cực của các bộ quản lý ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp.

Việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính công chính là khâu đột phá để thực hiện chiến lược tài chính quốc gia, góp phần vào sự phát triển bền vững, đảm bảo an sinh - xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương này, chúng ta sẽ đạt được một số mục tiêu như: hoàn thiện khung pháp lý, đổi mới cơ bản công tác quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; trao quyền tự chủ toàn diện cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đi đôi với trách nhiệm về số lượng, chất lượng và thời gian thực hiện; đảm bảo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng tính đủ chi phí; đẩy mạnh cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý chi NSNN.

Chỉ khi các đơn vị quyết liệt trong công tác triển khai, thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp thì việc thực hiện cải cách tài chính công mới đạt được mục đích đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!
THÙY ANH (thực hiện)
Cùng chuyên mục
  • Chủ tịch nước thăm chính thức Liên bang Nga
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Vào 14 giờ ngày 28/6 theo giờ địa phương (18giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân, cùngĐoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay Vnucovo-2, thủ đô Moskva, bắt đầuchuyến thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống VladimirPutin.
  • Tuổi trẻ KTNN ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2017
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày25/6, tại công viên Hoa Cúc Biển, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, Đoàn Thanh niên KTNNphối hợp Thị đoàn Cửa Lò tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyệnHè 2017 với chủ đề “Chung tay giữ gìn môi trường biển”.
  • Đoàn Thanh niên KTNN tổ chức hành hương về nguồn
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh -liệt sĩ(27/7/1947 - 27/7/2017), ngày 23-24/6, Đoàn Thanh niên KTNN đã tổ chức chương trình hành hương về nguồn, dâng hương tại Thành cổ Quảng trị, Nghĩa trangliệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 - Quảng Trị và trao quà cho các gia đình chính sách và các em học sinh nghèo vượt khó.
  • Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên đường thăm chính thức Belarus
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhận lời mờicủa Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko, sáng 26/6, Chủ tịch nướcTrần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô HàNội, lên đường thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 26 đến 28/6.
  • Tăng cường phối hợp công tác giữa KTNN và Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng26/6, tại trụ sở KTNN đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa KTNN vàViện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW). Phó Tổng Kiểm toán Nhà nướcCao Tấn Khổng và Giám đốc điều hành ICAEW toàn cầu Michael Izza đồng chủ trì Lễký.
Đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập: Chỉ có thể đạt mục đích khi quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp