Điều chỉnh báo cáo tài chính sau kiểm toán: Cần thiết phải giảm thiểu nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn

(BKTO) - Ông Trần Anh Quân - Phó Tổng Giám đốc KPMG, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



♦ Thưa ông, báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán vừa được các DN công bố mới đây cho thấy, tình trạng lãi ròng tăng hàng trăm tỷ đồng hoặc giảm lãi, tăng lỗ sau khi kiểm toán. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

         
   
Ông Trần Anh Quân
   
- Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này từ các góc độ khác nhau. Cần làm rõ, BCTC do ban lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán lập và đơn vị kiểm toán có trách nhiệm đưa ra ý kiến độc lập về BCTC. Vì vậy, không nên hiểu rằng đơn vị kiểm toán thực hiện những điều chỉnh này. Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) trao đổi với ban lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán về kết quả của các thủ tục kiểm toán cũng như những đề xuất liên quan của KTV. Căn cứ vào đó, ban lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán đưa ra quyết định có điều chỉnh BCTC hay không chứ không phải do công ty kiểm toán điều chỉnh.

Trong trường hợp tối ưu, ban lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán lập BCTC không có sai sót thì sau khi kiểm toán không cần điều chỉnh nào cả. Mặt khác, việc ban lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán có những điều chỉnh BCTC sau khi kiểm toán cũng phần nào cho thấy hoạt động kiểm toán độc lập đối với BCTC là hữu ích, giúp cho người sử dụng BCTC có thông tin tin cậy hơn.

Tôi cho rằng, việc đặt mục tiêu giảm thiểu các điều chỉnh đối với BCTC sau khi kiểm toán là cần thiết nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn điều này. Vấn đề này cũng xảy ra tại các quốc gia khác nhưng ở những mức độ khác nhau.

♦Ông có thể cho biết những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đó?

- Theo quan sát của tôi, các điều chỉnh BCTC sau khi kiểm toán thường liên quan đến những khoản mục có chứa đựng ước tính kế toán như: lập dự phòng hàng tồn kho, lập dự phòng nợ khó đòi, lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính. Do tính chất của các khoản mục này là ước tính kế toán liên quan đến xét đoán nên các diễn giải và quan điểm có thể khác nhau trong một số trường hợp. Đồng thời, sự thiên lệch có thể phát sinh trong đánh giá của ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

Về mặt chủ quan, có thể có những hạn chế nhất định trong công tác kế toán/lập BCTC của đơn vị được kiểm toán cần được cải thiện. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin giữa đơn vị được kiểm toán và KTV có thể chưa thường xuyên và kịp thời. Nếu ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán và KTV trao đổi kịp thời các vấn đề kế toán phức tạp thì hai bên có thể xử lý được những khác biệt về quan điểm hạch toán kế toán đối với các vấn đề cụ thể đó trước khi đơn vị được kiểm toán công bố BCTC chưa kiểm toán.

♦Việc chênh lệch số liệu trước và sau khi kiểm toán BCTC tác động như thế nào đến chính DN, công ty kiểm toán, nhà đầu tư cũng như nền kinh tế?

- Đối với đơn vị được kiểm toán, điều chỉnh nhiều với giá trị lớn sau khi kiểm toán BCTC có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các kế hoạch hoạt động kinh doanh và tài chính của DN như: kế hoạch đầu tư, trả cổ tức, tăng vốn… Đồng thời, sự tin tưởng của nhà đầu tư, bên cho vay đối với BCTC của đơn vị khi chưa kiểm toán có thể giảm sút, dẫn đến việc huy động vốn khó khăn hoặc đắt đỏ hơn.

Về phía đơn vị kiểm toán, khi làm việc với những khách hàng có tình trạng này, KTV thường phải thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn để đạt được mục đích kiểm toán là đảm bảo sự trung thực, hợp lý của BCTC. Vì vậy, chi phí của đơn vị kiểm toán tính theo thời gian thực hiện công việc sẽ gia tăng.

Còn ảnh hưởng đối với nhà đầu tư có thể xuất phát từ việc dựa vào BCTC chưa kiểm toán để ra quyết định đầu tư mà chưa lường trước được sự thay đổi của BCTC. Do vậy, các nhà đầu tư khi tham gia thị trường cũng cần hiểu biết nhất định về những rủi ro này.

Ở khía cạnh vĩ mô của nền kinh tế, tôi cho rằng có thể có những ảnh hưởng gián tiếp từ những vấn đề nói trên.

♦Theo ông, để giảm thiểu tối đa tình trạng thay đổi số liệu trước và sau khi kiểm toán BCTC, các bên liên quan cần phải làm gì?

- Đối với các đơn vị được kiểm toán, hệ thống kiểm soát nội bộ và chức năng kiểm toán nội bộ của đơn vị liên quan đến việc lập và trình bày BCTC đóng vai trò quan trọng. Hệ thống kiểm soát nội bộ và chức năng kiểm toán nội bộ có hiệu quả sẽ giúp đơn vị giảm thiểu các sai sót trong việc lập và trình bày BCTC, từ đó cũng giảm thiểu những chênh lệch giữa BCTC trước và sau kiểm toán. Các đơn vị phát sinh nhiều chênh lệch với giá trị lớn sau khi kiểm toán BCTC nên có biện pháp cải thiện, nâng cao hệ thống kiểm soát nội bộ và chức năng kiểm toán nội bộ của đơn vị mình.

Các công ty kiểm toán và khách hàng cần chủ động trao đổi, phát hiện sớm các vấn đề tiềm tàng dễ dẫn đến chênh lệch để KTV có thể đưa ra khuyến nghị cho khách hàng. Việc ban lãnh đạo các đơn vị được kiểm toán trao đổi cởi mở về các vấn đề liên quan đến BCTC ngay trước khi kết thúc kỳ kế toán sẽ giúp giải quyết vấn đề hiệu quả, giảm thiểu những thay đổi sau khi đã công bố BCTC ra công chúng.

Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã yêu cầu đơn vị được kiểm toán là công ty đại chúng, công ty niêm yết phải giải trình nguyên nhân của những chênh lệch lớn hơn 5% về số liệu BCTC trước và sau khi kiểm toán. Tuy vậy, từ thông tin giải trình nguyên nhân, cơ quan quản lý có thể xem xét cụ thể từng trường hợp để yêu cầu đơn vị được kiểm toán có giải pháp phù hợp, tránh lặp lại những tình huống tương tự. Việc giám sát thực hiện những giải pháp này có thể giao trách nhiệm cho Ban Kiểm soát hoặc Ủy ban Kiểm toán của chính DN.

♦Xin trân trọng cảm ơn ông!
LƯU HƯỜNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
  • Thông điệp từ đại dịch Covid-19
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra dự báo mới nhất, theo đó, năm 2020, Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế 4,8% GDP; lạm phát ở mức 3,3% và tăng lên 3,5% năm 2021. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến ở mức 0,2% GDP năm 2020 và thặng dư 1% GDP vào năm 2021.
  • Quản lý đầu tư công và vốn vay  ưu đãi ngày càng hiệu quả
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ về ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững” đã tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý đầu tư công, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài... Điều này được thể hiện rõ trên khía cạnh hoàn thiện thể chế chính sách và kết quả thực tế đạt được.
  • Những “bông hoa thép” anh hùng
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, chưa bao giờ thiếu vắng hình ảnh người phụ nữ ra trận. Không chỉ đảm nhận công tác hậu cần, gánh thương, tải đạn, các chị còn xung phong ra tiền tuyến, thực hiện các công việc đầy nguy hiểm, đối mặt với gian khổ, hy sinh không kém gì các đồng đội nam. Tiêu biểu nhất có lẽ chính là những “nữ pháo thủ” có mặt trên khắp Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, họ chính là những “bông hoa thép” anh hùng.
  • Ký ức ngày 30/4 lịch sử:  Thủ đô rực rỡ cờ hoa trong ngày vui chiến thắng
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - 45 năm trôi qua, ký ức hào hùng về Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người dân. May mắn được chứng kiến thời khắc mừng chiến thắng tại Thủ đô, khi đang là sinh viên trường tài chính, PGS,TS. Phan Duy Minh - nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - đã trải lòng với Báo Kiểm toán về những ký ức khó quên này.
  • Chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bước vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Trước tình hình đó, Đảng Lao động Việt Nam triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30/9 - 07/10/1974) để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Điều chỉnh báo cáo tài chính sau kiểm toán: Cần thiết phải giảm thiểu nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn