Đầu tư các dự án hạ tầng đô thị: Thực trạng và giải pháp

(BKTO) - Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng các dự án hạ tầng đô thị (HTĐT) đã góp phần đổi mới bộ mặt đô thị, từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân và tạo lập một nền tảng phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án HTĐT đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, rất cần các giải pháp đồng bộ để khắc phục và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án này.



Đầu tư thiếu đồng bộ và kết nối, còn manh mún, nhỏ lẻ...

Dự án HTĐT là một sản phẩm đặc thù, là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp công trình nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ HTĐT trong thời hạn và chi phí xác định. Dự án HTĐT còn là một tổ hợp các giải pháp nhằm sử dụng nguồn lực, tài nguyên để tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư và xã hội. Tất cả các dự án HTĐT được triển khai phải phục vụ yêu cầu phát triển bền vững với 3 mục tiêu cốt lõi là kinh tế, xã hội và môi trường.

Đầu tư một dự án HTĐT bao gồm: việc triển khai xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, công trình công cộng..., phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của khu vực, vùng đô thị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho khu dân cư, DN tại nơi được đầu tư cũng như khả năng kết nối với mạng lưới các hệ thống HTĐT lân cận.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư các dự án HTĐT đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành và năng lực quản lý của chính quyền địa phương, kéo theo sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Sự thiếu đồng bộ, kém kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Song song với đó, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo tại các đô thị lớn. Chưa kể, tất cả các đô thị ở nước ta đều chưa có hệ thống thoát nước thải riêng mà sử dụng chung với thoát nước mưa.

Đáng chú ý, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị là rất lớn nhưng việc xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Nhiều công trình thi công chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp. Tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công xảy ra ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, công tác đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án chưa được xem xét một cách nghiêm túc, khách quan và triệt để. Hầu hết các dự án mới chỉ dừng lại ở việc dự báo hiệu quả của giai đoạn chuẩn bị mà chưa đánh giá hiệu quả thực sự sau khi đầu tư. Thậm chí, việc đánh giá này cũng chưa có một tổ chức độc lập đứng ra đảm nhận với đầy đủ tư cách pháp lý.

Ngoài ra, việc đầu tư các dự án HTĐT tại một số địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ và chịu ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ”, chưa có tầm nhìn đầu tư chiến lược, dài hơi và xem xét tổng quan trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị - xã hội - mỹ thuật - kỹ thuật xây dựng công trình một cách đầy đủ và toàn diện.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm toáncác dự án HTĐT

Để khắc phục những bất cập trên, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án HTĐT, cần có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách cũng như công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Theo đó, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cởi mở hơn nhằm xã hội hóa việc đầu tư các dự án HTĐT, kêu gọi và thúc đẩy việc tham gia của các DN ngoài nhà nước. Đồng thời, hệ thống hành lang pháp lý và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng công trình cần được hoàn thiện theo hướng ngày càng chặt chẽ, tăng cường công khai, minh bạch nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Mặt khác, Nhà nước cần xây dựng và ban hành chế tài nghiêm để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, gây thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoạt động đánh giá hiệu quả đầu tư phải được thực hiện một cách nghiêm túc ở các giai đoạn trước, trong và sau khi đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tham gia của các chuyên gia, tổ chức độc lập trong các hoạt động đánh giá hiệu quả đầu tư dự án.

Một giải pháp quan trọng khác góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án HTĐT là tiếp tục tăng cường kiểm toán đối với các dự án này. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tiền kiểm đối với các dự án đầu tư quy mô lớn và các dự án trọng điểm, qua đó dự báo về việc phát huy hiệu quả đầu tư cũng như cảnh báo, khuyến cáo khả năng xảy ra rủi ro khi triển khai thực hiện dự án. Những dự báo và khuyến nghị này sẽ giúp các chủ thể quyết định đầu tư như: Quốc Hội, Chính phủ, HĐND, UBND các cấp đưa ra các quyết định hợp lý, kịp thời, nhằm nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước.

Để gia tăng chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, KTNN cần coi trọng công tác đánh giá hiệu quả đầu tư (kiểm toán hoạt động), tránh tình trạng bị cuốn theo các nội dung kiến nghị mang tính sự vụ và xử lý tài chính. Đồng thời, KTNN cần hoàn thiện quy trình kiểm toán dự án đầu tư, nhất là việc bổ sung hệ thống các khung tiêu chí, chỉ tiêu và phương pháp đánh giá trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động nhằm đảm bảo việc đưa ra các kiến nghị được khách quan, chính xác và sát với kết quả thực tiễn đầu tư...

TRẦN HOÀNG HẢI - KTNN khu vực III
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Phát huy hào khí của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi đó Đảng ta mới thành lập 15 năm, có chưa đến 5.000 đảng viên; là thắng lợi của nghệ thuật nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về cho nhân dân.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dự báo năm 2018 đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 30/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2018.
  • Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Ai Cập
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 27/8 theo giờ địa phương, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã tiến hành hội đàm.
  • Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): 5 vấn đề cần được làm rõ
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 cùng với các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý các hoạt động đầu tư công; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công… Tuy nhiên, sau hơn 3 năm có hiệu lực, Luật đã phát sinh không ít hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vẫn còn một số bất cập cần phải được làm rõ.
  • Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý tài chính công
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Hội nghị quốc tế về “Quản lý tài chính công tại Việt Nam” do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn Kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách tài chính công. Tuy nhiên, quá trình cải cách vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố chưa ổn định; chất lượng, hiệu quả và tính bền vững chưa cao.
Đầu tư các dự án hạ tầng đô thị: Thực trạng và giải pháp