Đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn

(BKTO) - Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016-2020, bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng phân bổ, giải ngân vốn chậm sẽ tạo sức ép lớn trong việc cân đối nguồn vốn cho 2 năm còn lại. Để đạt được mục tiêu cho cả giai đoạn, Chính phủ cần đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn; tình hình phân bổ vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.



Áp lực cân đối nguồn vốn

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm triển khai, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn đã đạt những kết quả tích cực. Tỷ trọng đầu tư công giảm xuống 34,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội, cơ cấu vốn đầu tư công theo hướng phù hợp hơn; khắc phục cơ bản tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn, tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế trong đầu tư công. Theo đó, khả năng cân đối NSNN để bố trí vốn thực hiện hằng năm còn nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu. Việc hoàn thiện thủ tục và lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn còn nhiều bất cập, các Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai thủ tục và chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu. Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế, do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Cùng với đó, tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách T.Ư vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng mất cân đối giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương ngày càng tăng, không đảm bảo mục tiêu ngân sách T.Ư đóng vai trò chủ đạo. Việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công cho các Bộ, ngành và địa phương còn chậm, thực hiện nhiều lần.

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện để giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 84,6% và năm 2017 chỉ đạt tỷ lệ 81,8% kế hoạch được Quốc hội thông qua, riêng nguồn vốn TPCP chỉ đạt 47,3% năm 2016 và 41,2% năm 2017.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm chậm, áp lực cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra và sẽ phải chuyển một phần vốn Kế hoạch Đầu tư công trung hạn sang giai đoạn sau. Đối với nguồn vốn ngân sách T.Ư còn lại trong 2 năm 2019, 2020, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí khoảng 237.000 tỷ đồng nên khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách T.Ư là khó khăn.

Không để vượt trần2 triệu tỷ đồng

Để thực hiện hiệu quả hơn Kế hoạch Đầu tư công trung hạn trong 2 năm còn lại, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, tình hình giải ngân, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn giữa vốn ODA và vốn vay trong nước, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị việc phân bổ phải đảm bảo nguyên tắc cân đối được nguồn lực toàn giai đoạn, giữ tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng; giữ vững tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công. Đồng thời, phải tuân thủ đúng nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ.

Đồng tình với những kiến nghị của cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, bình quân 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, mỗi năm chúng ta phải bố trí ngân sách T.Ư khoảng 237.000 tỷ đồng. Đây là mức vốn cân đối khó khăn, bởi vậy, Chính phủ cần rà soát, tập trung dồn lực đầu tư hiệu quả, hạn chế dàn trải. “Với nguồn ngân sách hạn chế hiện nay, chúng ta phải cân nhắc trong đầu tư, tránh tạo sức ép cho ngân sách. Chính phủ cần có biện pháp cân đối để đảm bảo về nguồn vốn đối ứng”- đại biểu Thắng đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị, Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tuân thủ triệt để khung kế hoạch tài chính ngân sách tương ứng để bảo đảm kiểm soát chi đầu tư công trong giới hạn cho phép, giải quyết dứt điểm nguồn ứng trước để hạn chế nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công…

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Chính phủ phải đánh giá kỹ lưỡng về khả năng cân đối nguồn vốn, sau khi tổng hợp tất cả các nguồn, kể cả nguồn vốn mới phát sinh thì mới bảo đảm tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả giai đoạn 2016-2020 không vượt mức 2 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, cần đánh giá kỹ về khả năng nguồn thu vì đây là yếu tố quyết định việc cân đối nguồn lực đầu tư phát triển. Theo đại biểu, nếu có nguồn thu bảo đảm thì mới bố trí cho các dự án, nếu không thì nên giảm kế hoạch đầu tư công.

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị...
  • Đảm bảo thực thi quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này tập trung mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của chính sách tự chủ đại học trong Luật hiện hành. Đây cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên họp sáng 6/11.
  • Chủ động rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Cùng với việc nhìn nhận những cơ hội và thách thức khi tham gia CPTPP, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chủ động, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định có hiệu quả, phát huy hết các cơ hội, tránh các rủi ro.
  • Quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết:  Còn nhiều gánh nặng và rào cản
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hơn một năm sau khi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) được ban hành, cơ quan thuế đã chặt chẽ hơn trong việc thanh kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các GDLK của DN, đặc biệt là những DN đã từng có hành vi trốn thuế, chậm nộp thuế hoặc có rủi ro cao về kê khai và nộp thuế. Chính vì vậy, các DN cần phải nắm rõ những quy định của Nghị định 20 cũng như hệ thống luật pháp về thuế. Nếu bỏ qua hoặc không nắm chắc các quy định này, bản thân DN sẽ rất dễ đối mặt với rủi ro và hình phạt khi vi phạm.
  • Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 3/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn