Cuộc tranh luận về chính sách tỷ giá hối đoái: Lựa chọn nào cho Việt Nam?

(BKTO) - Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới. Theo giới chuyên gia, cơ chế này đã phản ánh được phần nào cung - cầu của thị trường nhưng về cơ bản vẫn xoay quanh vấn đề neo tỷ giá. Trên thực tế, việc neo tỷ giá cố định ở một số thời điểm đã giúp thị trường ngoại hối ổn định, giảm hiện tượng đầu cơ và đô-la hóa, hạn chế rủi ro thanh khoản đối với nợ nước ngoài, đặc biệt là neo được kỳ vọng lạm phát cũng như hạn chế được hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ chế tỷ giá này lại khiến đồng Việt Nam lên giá thực mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế và gây thâm hụt thương mại lớn… Các nhận định này của chuyên gia chưa nhận được sự đồng thuận của đại diện NHNN dù cả hai bên đang cùng nỗ lực tìm kiếm một cơ chế tỷ giá có khả năng dung hòa giữa ưu và nhược điểm của cơ chế tỷ giá hiện tại.



Chuyên gia: chính sách neo tỷ giá có nhiều nhược điểm

Phân tích rõ thêm về những ưu điểm trong chính sách tỷ giá của Việt Nam, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng: ưu điểm của việc neo tỷ giá tương đối cố định là kiểm soát lạm phát, bởi thay đổi tỷ giá có thể làm lạm phát tăng. Hơn nữa, nếu nới lỏng tỷ giá, những khoản nợ nước ngoài của Chính phủ sẽ tăng lên, theo đó sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công/GDP, trong khi nợ công đã gần chạm trần Quốc hội cho phép.

Một lý do nữa là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam được tính theo USD, nếu phá giá đồng Việt Nam thì mục tiêu này sẽ giảm xuống. Ngoài ra, do chính sách tỷ giá hiện nay là không tăng quá 3% nên sẽ hạn chế được sự tùy tiện trong việc điều hành chính sách tỷ giá. Cuối cùng, việc neo tỷ giá đồng nghĩa với việc NHNN đã công bố và cam kết về lộ trình thay đổi tỷ giá nên có thể giảm rủi ro về tỷ giá cho DN.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, chính sách neo tỷ giá này cũng có rất nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, chính sách tỷ giá của Việt Nam tương đối cứng nhắc, vì vậy nó không hỗ trợ cho hoạt động thương mại quốc tế. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam không theo kịp tốc độ tăng của tỷ giá, do vậy nó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thời gian vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực DN nước ngoài, trong khi khu vực này ít chịu ảnh hưởng của chính sách tỷ giá, còn tỷ trọng xuất khẩu trong nước ngày càng suy giảm. Dù có điểm đáng mừng là việc xuất khẩu ròng thặng dư nhưng chúng ta cũng cần phải đặt câu hỏi rằng, nếu chính sách tỷ giá linh hoạt hơn thì liệu Việt Nam có thặng dư thương mại lớn hơn hay cũng chỉ đạt mức cân bằng như hiện nay?

Thứ hai, chính sách tỷ giá hiện nay không chống được lạm phát, mặc dù một trong những lý do chính của việc duy trì tỷ giá cố định là để đạt mục tiêu này. Thực tế, muốn ổn định lạm phát thì chỉ chính sách tỷ giá cố định là không đủ. Bằng chứng là, trước đây dù tỷ giá chỉ xoay quanh mức 2-3% nhưng lạm phát vẫn lên tới 20-30%.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng tỷ giá cố định không chống được lạm phát. Vấn đề cốt lõi của việc chống lạm phát trong dài hạn là phải kiểm soát được cung tiền, cụ thể là phải dựa trên nền tảng chính sách tài khóa lành mạnh và sự độc lập tương đối của NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Vấn đề độc lập của NHNN được hiểu là Quốc hội và Chính phủ chỉ nên giao chỉ tiêu ổn định lạm phát ở mức 3-4%, không nên giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Chính phủ cũng không can thiệp vào việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN mà để cơ quan này sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khi thực hiện mục tiêu đó.

Thứ ba, nếu chính sách tỷ giá không linh hoạt thì những cú sốc kinh tế từ bên ngoài sẽ “truyền dẫn” hoàn toàn vào nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, khi đồng USD trên thế giới tăng giá một đồng thì hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng chừng đó. Nếu tỷ giá linh hoạt thì nó trở thành “đệm”, trở thành công cụ để giảm sốc từ bên ngoài, còn nếu tỷ giá cố định thì sẽ không thực hiện được vai trò đó. Trong bối cảnh hiện nay, các cú sốc kinh tế từ bên ngoài ngày càng nhiều và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trong nước, bởi thế Việt Nam càng cần phải cân nhắc vấn đề này.

Thứ tư, Chính phủ buộc phải sử dụng biện pháp can thiệp hành chính vào chính sách tiền tệ. Trong khi Việt Nam cam kết những công cụ tỷ giá cố định thì điều kiện thị trường lại không cho phép. Chẳng hạn như lạm phát cao nghĩa là có sức ép đồng tiền mất giá, khi đó người dân sẽ tăng nhu cầu mua ngoại tệ và Nhà nước buộc phải sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính. Việc duy trì chính sách tỷ giá cố định đã khiến Chính phủ phải áp dụng quá nhiều biện pháp can thiệp hành chính vào thị trường ngoại hối, ví dụ như quy định lãi suất tiền gửi USD là 0%.

Thêm một lý do cho thấy Việt Nam nên cân nhắc về chính sách neo tỷ giá, đó là khả năng bị tấn công tiền tệ. Mặc dù trong hiện tại thì nguy cơ này chưa hiện hữu, nhưng khi dần mở cửa các tài khoản vốn thì việc áp dụng tỷ giá cứng nhắc có thể sẽ khiến cho hệ thống tiền tệ dễ bị tấn công. Trong bối cảnh ấy, việc neo tỷ giá là rất khó khăn, thậm chí là nhiệm vụ bất khả thi do hoạt động đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, trừ khi vấn đề lạm phát cũng diễn ra trên thế giới và việc thu hút, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam gặp thuận lợi.

Từ những phân tích trên, PGS.TS. Phạm Thế Anh đã đề xuất, NHNN cần chuẩn bị lộ trình cho một chế độ tỷ giá mới, đó là chế độ tỷ giá “thả nổi” nhưng có quản lý. Nói cách khác là chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thị trường. Chế độ tỷ giá này có đặc điểm là chính sách tiền tệ phải lấy mục tiêu lạm phát là ưu tiên cao nhất, dựa trên hệ thống tài khóa lành mạnh và sự độc lập trong việc thực thi chính sách tiền tệ của NHNN. Đồng thời nó phải dựa trên thị trường ngoại hối được hiện đại hóa, có nhiều người tham gia, có tính thanh khoản cao, coi ngoại tệ là một loại tài sản và phải có nhiều sản phẩm phái sinh.

Tiếp theo, NHNN cũng phải dần từ bỏ việc công bố tỷ giá trung tâm mỗi ngày và để thị trường quyết định việc này; NHNN chỉ nên sử dụng các công cụ tiền tệ để can thiệp thông qua thị trường mở, công cụ lãi suất và việc điều hành mua bán ngoại tệ nhằm làm mềm những biến động tỷ giá quá lớn.

NHNN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng

Những nhận định nêu trên của PGS.TS. Phạm Thế Anh vừa nhận được sự đồng thuận vừa vấp phải sự phản ứng của đại diện NHNN.
TS. Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho biết, ông chia sẻ sự đồng thuận với chuyên gia về hệ quả không bền vững của việc neo tỷ giá vì nó sẽ bị tản về hai cực, hoặc là cố định hoặc bị thả nổi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh cũng chưa ủng hộ chính sách thả nổi tỷ giá bởi chủ trương này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đại diện NHNN nêu dẫn chứng, trong số các nước tuyên bố thả nổi tỷ giá, chỉ có khoảng 20% quốc gia là thả nổi thật. Còn lại, đa số các quốc gia đều sợ vấn đề này, bởi khi thả nổi tỷ giá thì nguy cơ bị tấn công tiền tệ rất cao, khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 là một ví dụ điển hình.

Từ góc độ một người phản biện, TS. Nguyễn Tú Anh không đồng tình với nhận định chính sách tỷ giá cố định không hỗ trợ cho hoạt động thương mại quốc tế. Theo lập luận của ông Tú Anh, tỷ giá là vấn đề phức tạp, nếu đánh giá tỷ giá mà chỉ tính trên cán cân thương mại là chưa đủ. Thực tế cho thấy, thời kỳ tỷ giá của Việt Nam được cho là quá cao cũng chính là thời kỳ nước ta có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, chẳng hạn, năm 2017 được xem là năm có tỷ giá cao nhưng cũng là năm thặng dư thương mại.

TS. Nguyễn Tú Anh còn cho rằng, nhận định trong những năm gần đây các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng ngưng đầu tư do chính sách tỷ giá là nhận định khá khiên cưỡng, bởi Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại nhưng sẽ vững chắc hơn, mặc dù vốn FDI giải ngân không tăng song cũng không giảm, như vậy cũng là một sự thành công.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, hiện NHNN không neo tỷ giá vào đồng USD mà thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, tức là làm sao để cân đối được cung - cầu ngoại tệ trong nước, biến động của 8 ngoại tệ trên thị trường quốc tế và diễn biến của kinh tế vĩ mô. Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, NHNN phải tính toán sự biến động của 8 loại ngoại tệ trên thị trường thế giới, đồng thời tính chỉ số bình quân của thị trường liên ngân hàng của ngày hôm trước ở trong nước rồi cân đối với nhau, từ đó mới quyết định tỷ giá trung tâm. Như vậy, tỷ giá trung tâm phải cân đối được cả sự biến động bên ngoài và bên trong, đó là cung - cầu, nếu cung quá thấp mà cầu quá nhiều thì tỷ giá tăng lên và ngược lại.

Vị đại diện NHNN cũng cho biết, NHNN đang nghiên cứu về vấn đề tỷ giá hối đoái với tinh thần cầu thị, nếu có các giải pháp mới hợp lý hơn, cơ quan này sẽ xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. Về định hướng cho thời gian tới, chính sách tiền tệ sẽ vẫn ưu tiên vấn đề đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và neo được lạm phát kỳ vọng ở mức khoảng 4%, đây là yếu tố nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Để thực hiện mục tiêu đó, NHNN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, giữ ổn định hợp lý các chỉ số tiền tệ như lãi suất, tỷ giá phù hợp với các diễn biến của thị trường và điều kiện kinh tế vĩ mô khác.

THÙY ANH
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017
Cùng chuyên mục
Cuộc tranh luận về chính sách tỷ giá hối đoái: Lựa chọn nào cho Việt Nam?