Chính sách tiền tệ vững vàng vượt qua biến động

(BKTO) - Năm 2018, bối cảnh bên ngoài Việt Nam vẫn đầy biến động, các rủi ro trong nước vẫn tiềm tàng, chính sách tài khoá còn hạn chế, chính sách tiền tệ đòi hỏi phải thận trọng, tạo dư địa cho khả năng hấp thụ các cú sốc bất lợi. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, mọi cú sốc từ thị trường thế giới đã nhanh chóng truyền tải vào thị trường trong nước. Việc dòng vốn từ bên ngoài chững lại hoặc đảo chiều sẽ gây tác động tâm lý tiêu cực lan toả cho cả nền kinh tế và có thể kích hoạt một giai đoạn suy thoái mới. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ cần phải đặt mục tiêu tạo môi trường ổn định bền vững trong dài hạn.



Sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ...

Ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát ra thông điệp về định hướng điều hành thận trọng chính sách tiền tệ, kiên định neo giữ lạm phát dưới 4%; đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng thấp hơn mức thực hiện của năm 2017 hơn 1 điểm phần trăm. Trước bối cảnh dòng vốn dồi dào trong nửa đầu năm, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành (lãi suất OMO) từ 5% xuống còn 4,75%. Những động thái này nhằm phát đi thông điệp NHNN sẽ giảm dần tốc độ tăng tín dụng để giảm rủi ro về dài hạn nhưng cũng giảm chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng để nâng cao chất lượng tín dụng.

Diễn biến lạm phát và lãi suất 2011-2018 - Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Tuy nhiên, sau 6 tháng, khi các điều kiện thuận lợi không còn nữa, những áp lực trên thị trường ngoại tệ gia tăng, dòng ngoại tệ bán cho NHNN chững lại và tỷ giá thị trường tự do tăng lên, kỳ vọng lạm phát gia tăng,... NHNN đã rất linh hoạt điều chỉnh các công cụ điều hành, không cứng nhắc duy trì chỉ tiêu nào, mà từng bước thực hiện các bước điều chỉnh tỷ giá và lãi suất, tạo mức cân bằng mới trên thị trường tiền tệ, đảm bảo kiểm soát tốt mục tiêu lớn nhất là lạm phát.

Hình trên cho thấy, khi lạm phát tăng mạnh thì công cụ lãi suất rất hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát. Kể từ năm 2015 đến nay, lạm phát được neo vững dưới 4% và lãi suất dần đi vào ổn định. Lạm phát có xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên vẫn dưới mức 4%, do đó, NHNN chưa có động thái để điều chỉnh công cụ lãi suất mà duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chí có xu hướng đi xuống để hỗ trợ các DN, thúc đẩy tăng trưởng.

Cho đến khi áp lực lạm phát gia tăng vào tháng 6/2018, cùng với các bất ổn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gây ra tâm lý lo ngại trên thị trường ngoại tệ và dòng vốn đầu tư, NHNN đã chủ động điều chỉnh nhẹ lãi suất và tỷ giá để xác lập mặt bằng mới, ứng phó kịp thời với các cú sốc này.

Trên thị trường ngoại hối thời điểm đầu năm, dòng vốn vào ròng lớn (FDI, kiều hối, M&A, IPO…) tạo điều kiện cho NHNN có tăng mua dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục. Tuy nhiên, khi có cú sốc trên thị trường ngoại hối, NHNN đã không cứng nhắc bán can thiệp ngoại tệ mà chủ động từng bước điều chỉnh tỷ giá, lãi suất, kết hợp với bán ngoại tệ đáp ứng đầy đủ nhu cầu hợp pháp của người dân. Sự điều chỉnh này vừa cho phép thị trường từng bước thiết lập hệ cân bằng tỷ giá - lãi suất mới, vừa củng cố niềm tin của thị trường về khả năng đáp ứng nhu cầu hợp pháp, qua đó hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Từ tháng 6/2018, tỷ giá diễn biến tăng, sau đó tương đối ổn định ở mặt bằng mới được thiết lập. Trong tháng cuối năm, tỷ giá bắt đầu có xu hướng đi xuống. Điều này phản ánh những lo ngại của thị trường trước biến động của tỷ giá đã giảm, thị trường đảm bảo thanh khoản, nhu cầu găm giữ ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá giảm.

...mang đến những kết quả tích cực cho nền kinh tế

Việc điều hành chính sách tiền tệ hợp lý đã giúp cho sức chống chịu của nền kinh tế nước ta tốt lên trong bối cảnh môi trường bên ngoài đầy biến động. Không những thế, sự kiên trì củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện cho thị trường phát huy tối đa các quy luật của mình đã giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Chính sách tiền tệ đóng vai trò then chốt đối với vấn đề neo giữ kỳ vọng lạm phát, giữ vững tỷ giá và lãi suất ổn định trong trạng thái động, không gây ra các cú sốc bất lợi cho nền kinh tế.

Sự thận trọng của NHNN đã giúp kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,48%, tạo dư địa đủ lớn cho nền kinh tế hấp thụ các cú sốc như: giá dầu tăng, giá lương thực thực phẩm tăng, chi phí thương mại tăng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, lạm phát tăng do tỷ giá và điều chỉnh các giá Nhà nước quản lý như: giáo dục, y tế,... Đây cũng là yếu tố quyết định để kiểm soát lạm phát dừng ở mức 3,54% trong một môi trường đầy biến động.

Trong khi đồng tiền của hầu hết các nước mới nổi đều mất giá mạnh với đồng USD, NHNN đã ổn định tỷ giá nhưng không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cán cân thương mại năm 2018 đạt mức thặng dư kỷ lục 7,2 tỷ USD, qua đó giúp xuất khẩu ròng đóng góp dương cho nền kinh tế sau nhiều năm. Sự đóng góp này cho thấy, tiết kiệm trong nước đã vượt qua nhu cầu đầu tư, cân đối tiết kiệm đầu tư được củng cố. Đây sẽ là yếu tố căn bản giúp Việt Nam dần chuyển dịch sang quá trình phát triển với vốn giá rẻ khi bắt đầu dư thừa vốn. Điều đáng ghi nhận là, trong khi rủi ro trên toàn thị trường thế giới tăng lên do các yếu tố bất định tăng mạnh, thì trong năm 2018, Việt Nam vẫn được hai tổ chức xếp hạng Moody's và Fitch ratings nâng hạng tín nhiệm.

TS. NGUYỄN TÚ ANH
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019
Cùng chuyên mục
Chính sách tiền tệ vững vàng vượt qua biến động