Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ đã góp phần ổn định sinh kế cho người dân

(BKTO) - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 và đề xuất chính sách hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 11/6.



                
   

Chăn nuôi nông hộ chuyển biến tích cực nhờ Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sau một thời gian thực hiện, Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020” (Quyết định 50), đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như giúp tăng thu nhập của các hộ chăn nuôi từ 5-10%.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng. “Nguồn kinh phí tuy không lớn nhưng đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, ngày càng tăng giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt giúp ổn định sinh kế cho người dân” - đại diện Cục chăn nuôi chia sẻ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Quyết định 50 vẫn những hạn chế, điển hình như: một số địa phương chưa chủ động được ngân sách địa phương; đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua con giống là các nông hộ ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập thấp nên chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi…

Để phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, đại diện một số địa phương cho rằng, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Trong đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu đề xuất Chính phủ tiếp tục có chính sách tạo điều kiện về đất đai cho các DN thực hiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn và xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, công nghệ cao.

Mặt khác, tiếp tục duy trì hệ thống mạng lưới thú y cơ sở (xã, phường, thị trấn) đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố, nâng cao chế độ phụ cấp tương ứng ngành nghề đào tạo, bảo đảm thực thi nhiệm vụ tại cơ sở; có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng; chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư phù hợp với Luật Chăn nuôi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho rằng, nhà nước cần tiếp tục bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để phù hợp với Luật Chăn nuôi, với thực tế thị trường và nhu cầu của về an toàn thực phẩm của người dân. Chẳng hạn như thực tế mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ sử dụng đệm lót sinh học là chưa phù hợp. Điều này chỉ phù hợp với mô hình chăn nuôi gia cầm, nhưng đối với chăn nuôi lợn phải cải tạo lại chuồng nền xi măng sang nền đệm lót sinh học cần kinh phí rất lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới, rất cần nhà nước tạo nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2021-2025. Bộ sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến góp ý của các đại biểu để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách mới về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững và hiệu quả.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ đã góp phần ổn định sinh kế cho người dân