Cần thiết nâng cao vai trò của kiểm toán môi trường

(BKTO) - ​Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 khẳng định: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật” (khoản 1, Điều 3). Vì vậy, ngay từ năm 2012, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đi đôi với đó là nhiều nỗ lực trong việc phát triển và BVMT. Đồng thời, đến nay, Việt Nam đã thiết lập hệ thống quản lý và BVMT như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, cảnh sát môi trường, Quỹ BVMT…



Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước về BVMT tiếp tục được hoàn thiện. Khoản 5, Điều 5 Luật BVMT quy định: “Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho BVMT; bố trí khoản chi riêng cho BVMT trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí BVMT được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong BVMT”. Điều 147 của Luật này cũng đã cụ thể hóa nội dung chi NSNN cho BVMT, bao gồm cả chi hoạt động sự nghiệp cũng như chi đầu tư phát triển BVMT. Phí BVMT và Quỹ BVMT cũng được quy định tại Điều 147 và 148 của Luật này.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, tài sản công bao gồm: “Tiền thuộc NSNN, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước” (khoản 6, Điều 4) và “Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời...” (khoản 7, Điều 4). Rõ ràng, đại đa số yếu tố môi trường lẫn nguồn lực BVMT thuộc phạm trù tài sản công, điều này đặt ra yêu cầu phải áp dụng cơ chế quản lý tài sản công, trong đó cần có sự tham gia tích cực của KTNN thông qua kiểm toán môi trường (KTMT).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của môi trường đối với sự phát triển bền vững của đất nước và vai trò của KTMT trong sự nghiệp phát triển và BVMT, KTNN đã quyết định thành lập Nhóm công tác về KTMT ngay từ năm 2008. Đồng thời, KTNN đã tổ chức nhiều cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường, điển hình như các cuộc kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An Giang; Dự án Đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; Dự án Thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2; Dự án Xử lý nước thải, chất rắn và BVMT TP. Hội An... Thông qua đó, KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm của các DN, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, BVMT và bịt lỗ hổng nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường. Các phát hiện kiểm toán này là cơ sở để KTNN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ và ban hành mới văn bản, hướng dẫn, quy định về lĩnh vực môi trường, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp, đề xuất phù hợp, mang tính thực tiễn cao nhằm tăng cường công tác quản lý, BVMT của đơn vị được kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy KTMT do cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện thật sự là công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động BVMT. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được Luật hóa ngay trong Luật BVMT 2014 khi Chương XVIII mới chỉ quy định hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT mà thiếu vắng hoạt động KTMT và trách nhiệm của KTNN.

Chính vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Chương XIV về: “Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo môi trường” trong Dự thảo Luật BVMT 2020 nội dung về KTMT do KTNN thực hiện là hợp lý và cần thiết. Theo đó, KTNN có trách nhiệm thực hiện kiểm toán công tác quản lý và BVMT đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác có liên quan trong công tác BVMT, bao gồm cả kiểm toán tài chính (kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán trong công tác quản lý, BVMT và các chương trình, hoạt động có liên quan đến công tác quản lý, BVMT), kiểm toán tuân thủ (kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện) và kiểm toán hoạt động (kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, BVMT và các chương trình, hoạt động có liên quan đến công tác quản lý , BVMT). Việc bổ sung quy định này không chỉ góp phần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn nâng cao hiệu quả và hiệu lực của sự nghiệp phát triển, BVMT.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
Cần thiết nâng cao vai trò của kiểm toán môi trường