Cần hoàn thiện pháp luật quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

(BKTO) - Với nhiều hạn chế được chỉ ra qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”, tại Phiên giám sát chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc cần nghiên cứu, ban hành một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ này.



Phụ thuộc vào NSNN,hiệu quả hoạt động chưa cao

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát - cho biết, hiện cả nước có 48 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (QTCNNS). Trong giai đoạn vừa qua, việc thành lập và hoạt động của các quỹ cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng nêu ra nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các QTCNNS. Cụ thể là, chưa có các cơ quan ở T.Ư và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các QTCNNS; nguồn tài chính hình thành các quỹ này còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách. Nguồn thu của một số QTCNNS còn phụ thuộc vào NSNN trong khi các nguồn thu khác không đáng kể. Bên cạnh đó, quy định về tỷ lệ thu ở một số quỹ chưa hợp lý; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ này còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Đặc biệt, dư nguồn tại nhiều quỹ ở T.Ư và địa phương còn lớn do hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa đúng với chức năng nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn. Trong khi đó, chi phí quản lý chưa hợp lý so với hoạt động của quỹ. Đồng thời, việc thành lập quá nhiều quỹ theo quy định của các luật chuyên ngành, các nghị định của Chính phủ và của địa phương làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế.

Đồng tình với những đánh giá của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, mục đích thành lập các QTCNNS này là dùng vốn ngân sách làm “vốn mồi”, từ đó huy động các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Đoàn giám sát, việc huy động, thu hút các nguồn lực này rất hạn chế. Trong khi đó, công tác chi còn nhiều bất cập. Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, quảng cáo, tổ chức bộ máy... Có quỹ chi không hết còn gửi các ngân hàng thương mại. Vì vậy, cần chấn chỉnh tình trạng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng: Theo Báo cáo giám sát, tổng kết trong 5 năm, KTNN đã kiểm toán 13 cuộc về các QTCNNS tại Bộ, ngành T.Ư và 3 cuộc ở địa phương. Với 16 cuộc kiểm toán mà phát hiện sai phạm lên tới hơn 1.700 tỷ đồng là một tỷ lệ rất lớn.

Hệ thống pháp luật phức tạp, thiếu thống nhất

Theo đánh giá của Đoàn giám sát cũng như ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng QTCNNS là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên.

Qua giám sát cho thấy, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các QTCNNS khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quỹ chậm được ban hành hoặc chậm được sửa đổi, không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng ở một số quỹ. Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định tại Luật NSNN năm 2015 nhằm điều chỉnh các nguyên tắc chung về QTCNNS. Quy định về khung pháp lý của một số quỹ chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ hoặc không còn phù hợp với các quy định hiện hành. Các quy định của pháp luật về nguồn tài chính hình thành các quỹ cũng rất phức tạp, thiếu thống nhất…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Luật NSNN năm 2015 có định nghĩa về QTCNNS là do cơ quan có thẩm quyền thành lập, độc lập với NSNN, nguồn thu và nhiệm vụ chi thực hiện theo quy định của pháp luật. “Quy định này chỉ rõ ở một điểm là “độc lập với NSNN” còn những vấn đề điều chỉnh quỹ vẫn rất chung chung, không rõ thẩm quyền. Vẫn còn thiếu hành lang pháp lý về QTCNNS” - bà Nga phân tích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cơ sở pháp lý thành lập các quỹ rất khác nhau. Có quỹ được thành lập theo Luật, có quỹ hình thành do Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí có quỹ được thành lập do Thông tư của Bộ hoặc quy chế của một hiệp hội, liên hiệp hội… Báo cáo giám sát đã thống kê có tới hơn 100 văn bản cho phép thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của các quỹ này. “Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các QTCNNS phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đồng thời đề nghị phải chấn chỉnh tình trạng này, phải có một cơ sở pháp lý thống nhất, rõ ràng về thẩm quyền thành lập quỹ.

Tán thành với nhiều kiến nghị của Đoàn giám sát, qua các ý kiến thảo luận tại Phiên giám sát, UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết để tăng cường quản lý các quỹ cũng như đề xuất hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý các quỹ. Nội dung Nghị quyết giao Chính phủ trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát, ý kiến của UBTVQH rà soát, đánh giá tác động, hiệu quả của từng quỹ và trình Quốc hội rà soát sắp xếp, tổ chức lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội; kiên quyết loại bỏ quỹ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết; không thành lập mới các quỹ. Đồng thời, UBTVQH giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng luật (nếu cần thiết) để thống nhất quản lý các quỹ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các quỹ, xử lý nghiêm các sai phạm; xây dựng cơ chế bảo đảm quản lý quỹ hiệu quả, chặt chẽ và tiến tới giảm dần sự hỗ trợ của NSNN.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019
Cùng chuyên mục
Cần hoàn thiện pháp luật quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách