Cần đoạn tuyệt các dự án BT theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”

(BKTO) - GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Chuyên gia kinh tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán




GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Thưa Giáo sư, trong bối cảnh người dân chưa hết lo lắng vì những bất cập của các dự án đầu tư theo hình thức BOT, công luận lại đang chỉ ra rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT bị thất thoát, lãng phí. Vậy, xin Giáo sư cho biết đôi nét về hình thức đầu tư này?

- Theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) được thực hiện dựa trên hợp đồng BT giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó, nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng rồi chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác (Khoản 5, Điều 3). Như vậy, BT chỉ là một tên gọi hiện nay của hình thức đầu tư này, còn tên “cúng cơm” là “đổi đất lấy hạ tầng”, hay người ta còn dùng tên “chữ nghĩa” là cơ chế “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng”.

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi là sáng kiến của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi địa phương này không đủ NSNN để phát triển hạ tầng, chỉ có đất đai là quý. Vậy là, tỉnh này áp dụng sáng kiến ký hợp đồng để nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng và sẽ trả bằng đất đai. Trên thực tế, hạ tầng thường là một con đường nào đó và đất đem đổi lại là đất hai bên đường. Cơ chế này rất dễ dẫn đến nguy cơ tham nhũng nếu không có những quy định cụ thể của pháp luật về xác định giá trị công trình hạ tầng và giá trị đất đai đem ra đổi. Vì lý do này, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ đó đã bị kỷ luật sau khi việc thực hiện cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được thanh tra.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Hà Tây (cũ), Hưng Yên đã áp dụng chính sách này. Trung ương cho đây là cách làm hay nên cũng chính thức quy định cơ chế “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng” tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998. Mặc dù vậy, Luật này chỉ có quy định chung chứ không có bất kỳ quy định nào cụ thể về giá trị và xác định giá trị.

Được biết, Giáo sư là một trong những người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai 2003. Vậy thời điểm đó, ông đã đưa ra quan điểm như thế nào để nội dung này không còn được quy định trong luật mới?

- Ngay từ thời kỳ ấy, tôi đã có quan điểm là Nhà nước cần từ bỏ thực hiện các dự án theo hình thức BT mà nhà đầu tư được trả bằng đất, hoặc ít nhất là phải thu hẹp phạm vi áp dụng. Tôi là người được giao trách nhiệm tổ chức soạn thảo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003, chính là nghị định “khai tử” cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”. Điều 62 của Nghị định này quy định việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện theo 1 trong 2 hình thức: một là, đấu giá đất để có tiền xây dựng hạ tầng; hai là đấu thầu dự án và đấu giá đất trong cùng một gói thầu để phát triển hạ tầng.
         
"Tôi tin chắc rằng, mọi dự án BT đều có sai phạm vì bản thân loại hình dự án này đã tạo điều kiện để người ta dễ dàng sai phạm".
   GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Tuy nhiên, vào khoảng năm 2006, ngay khi Nghị định số 181 đang có hiệu lực thi hành, nhiều nhà đầu tư lại đưa ra “sáng kiến” thực hiện dự án BT và đã được lãnh đạo các địa phương hưởng ứng, trong khi Trung ương cũng không có ý kiến gì. Đến 2009, Chính phủ lại ban hành nhiều nghị định cho phép thực hiện các dự án BT mà nội dung là cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, như: Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT; Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05/4/2011 sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.

Thực ra, dự án đầu tư theo hình thức BT cũng được áp dụng ở một số nước trong giai đoạn hạ tầng kém phát triển mà NSNN thiếu tiềm lực. Khi đã phát triển đến mức độ nhất định thì các nước đó cũng không thực hiện BT theo phương thức trả bằng đất nữa mà thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để có tiền xây dựng hạ tầng. Hơn nữa, để áp dụng hình thức BT, các quốc gia đó đã quy định rất cụ thể về xác định giá trị hạ tầng và đất đai đem đổi.

Bằng những thông tin có được, Giáo sư cảm nhận như thế nào về kết quả thực hiện các dự án BT trong thời gian qua?

- Trở lại với giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc đó, kết quả thanh tra mọi dự án “đổi đất lấy hạ tầng” đều phát hiện có tiêu cực. Đến nay, khung pháp luật về thực hiện các dự án BT đã có nhưng tôi tin rằng tình trạng tiêu cực vẫn chưa giảm. Câu chuyện trung tâm vẫn là giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư không tương xứng với công trình hạ tầng đã xây dựng. Khung pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể là đất đem đổi phải xác định là loại đất gì, định giá như thế nào, nhất là trường hợp đất đai đem đổi chính là đất gắn giá trị với công trình hạ tầng.

Tôi còn nhớ một dự án được coi là dự án cuối cùng thực hiện theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” vào năm 2004. Đó là Dự án phát triển Khu đô thị mới Ecopark tại Văn Giang, Hưng Yên, cửa ngõ vào Hà Nội. Về mặt địa kinh tế, tôi rất ủng hộ dự án này, nhưng về mặt “đổi đất lấy hạ tầng” thì tôi chắc chắn KTNN sẽ thấy nhiều vấn đề bất hợp lý nếu tiến hành kiểm toán.

Đối với các dự án mới dưới tên gọi BT, thời gian qua công luận đã nêu nhiều dự án có vấn đề hoặc về đất đai, hoặc về chất lượng công trình hạ tầng. Ví dụ, Dự án BT xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41km đường, Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển Khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện, Dự án mới chỉ xây dựng được 12km đường, trong khi đất đai để phát triển khu đô thị mới đã được giao cho chủ đầu tư, và chủ đầu tư đã bán đất Thanh Hà cho chủ khác!

Hoặc như một dự án khác mà KTNN đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm, đó là Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Gamuda Land thực hiện theo hình thức BT. Chất lượng nhà máy được đánh giá là yếu kém, cam kết hợp đồng gây ra nhiều thất thoát cho NSNN.

Vừa rồi, kết quả thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, chỉ có 1 dự án được đưa ra đấu thầu, còn 14 dự án khác đều là chỉ định thầu với nhiều nhà đầu tư yếu kém. Cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau. Tôi tin chắc rằng, mọi dự án BT đều có sai phạm vì bản thân loại hình dự án này đã tạo điều kiện để người ta dễ dàng sai phạm.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

ĐINH HIỀN (thực hiện)
Theo Tuần Báo ra ngày 14-9-2017
Cùng chuyên mục
Cần đoạn tuyệt các dự án BT theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”