Cần có cơ chế mới để siết kẽ hở quản lý trong thực hiện các dự án BT

(BKTO) - Nêu lên nhiều bất cập được KTNN chỉ ra qua kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng- Chuyển giao), đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: Có nên thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không? Phải chăng cần có cơ chế mới để siết lại kẽ hở quản lý? Đề nghị Chính phủ cân nhắc và báo cáo Quốc hội”.



                
   

Đại biểu Mai Sỹ Diến phát biểu tại hội trường - Ảnh: quochoi.vn

   
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 29/10 về kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính- NSNN quốc gia 3 năm 2019- 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016- 2020, đại biểu Mai Sỹ Diễn đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý, sử dụng NSNN và đầu tư công.

Đại biểu đánh giá, thực hiện kế hoạch 3 năm về tài chính- ngân sách, các Bộ, ngành, đơn vị và địa phương đã cơ bản thực hiện nghiêm những nội dung lớn về khung cân đối NSNN, chi NSNN theo lộ trình, phù hợp với các quy định về phân cấp quản lý kinh tế- xã hội, phân cấp quản lý về NSNN. Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện còn những tồn tại, chưa tổ chức thực hiện đúng, đảm bảo mục tiêu, định hướng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đại biểu, năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra, nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2017, chưa đạt được mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát việc thu nội địa không đạt dự toán nhằm tăng thu, đảm bảo nhiệm vụ chi.

Liên quan đến đầu tư công, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; một số dự án bị chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng NSNN, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện tốt và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn; một số dự án chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công đã ghi dự toán vốn và không giải ngân được theo dự toán.

Cũng theo đại biểu, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán 3 năm gần đây chưa sát với yêu cầu thực tiễn dấn đến cuối năm chưa phân bổ phải cắt giảm. Cụ thể là Chính phủ đang đề xuất chuyển nguồn 12.254,9 tỷ dự toán kinh phí năm 2017 sang sử dụng hết niên độ năm 2018 và quyết toán vào năm 2018. “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đề nghị Chính phủ nếu phù hợp với Luật NSNN và Luật Đầu tư công thì cho chi. Tôi đề nghị nội dung này Quốc hội cần giao cho Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Chính phủ làm rõ căn cứ pháp luật. Nếu có căn cứ thì chuyển nguồn còn nếu không đủ căn cứ thì đề nghị cắt giảm”- đại biểu đề nghị.

Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương và giao dự toán cho một số nhiệm vụ cụ thể còn chậm. Năm 2017 bị hủy dự toán 226,598 tỷ đồng do quá thời gian phân bổ, năm 2018 chưa giao dự toán phân bổ số ngân sách chi sự nghiệp bảo vệ môi trường là 379,83 tỷ đồng. Tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm 2018 còn thấp mới đạt 31,79%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 do một số dự án khởi công mới và một số dự án sử dụng vốn ODA gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên có 10 dự án đã chuẩn bị đầu tư năm 2016 nhưng không được giao vốn thực hiện do không cân đối được nguồn vốn.

Một bất cập khác được đại biểu nêu lên là việc sử dụng ngân sách, tài sản công và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Điển hình như dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đang có khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.

Đại biểu nêu: Báo cáo của KTNN công bố gần đây cho thấy, có đến gần 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức chỉ định thầu, dù pháp luật có quy định cả hình thức đấu thầu công khai. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng, dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Không ít dự án BT đang bị biến tướng thành cuộc giao dịch ngầm theo cơ chế xin cho giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước, gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công.

Qua kiểm toán 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Nhiều dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán và lựa chọn các đơn vị thiết kế thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách. Vậy có nên tiếp tục thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không? Phải chăng cần có cơ chế mới để siết lại kẽ hở quản lý? Đề nghị Chính phủ cân nhắc và báo cáo Quốc hội”- đại biểu Diến đặt vấn đề.

Trong đầu tư công trung hạn cho chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cũng chỉ rõ nhiều tồn tại cần khắc phục như: nguồn vốn của Trung ương để thực hiện một số chính sách bố trí không đúng kế hoạch, thẩm định vốn kéo dài, giải ngân chậm, dồn vào thời điểm giữa năm gây ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng các công trình, dự án, quan trọng nhất là ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn khi bị áp lực giải ngân vào cuối năm. Riêng chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua 3 năm nhưng nguồn vốn Trung ương mới giao 52,1% tổng vốn cả giai đoạn. Đại biểu đề nghị cần tăng bố trí vốn ngay cho chương trình trong năm 2019.

Bên cạnh đó, tiến độ phê duyệt và triển khai 21 chương trình mục tiêu rất chậm, không đồng bộ với quá trình triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương khó khăn trong việc lồng ghép, phân bổ nguồn vốn của 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu. Theo đại biểu, những bất cập này cũng cần được khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Cần có cơ chế mới để siết kẽ hở quản lý trong thực hiện các dự án BT