Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tích cực đến môi trường

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực môi trường trong ngắn hạn và rất tích cực trong trung, dài hạn nhờ các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.



Thách thức trong bối cảnh mới

Cuộc CMCN 4.0 là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố nền tảng chính là khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối thông minh. Đặc trưng nổi bật của cuộc Cách mạng này là dùng công nghệ thay thế dần sự có mặt của con người trong mọi hoạt động.

Theo nhiều chuyên gia, CMCN 4.0 đem lại những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Nó tác động với tất cả các cấp độ trên toàn cầu, từng khu vực trong từng quốc gia. CMCN 4.0 cũng mở ra cơ hội cho từng cá nhân, tổ chức và từng dân tộc. Quốc gia nào tận dụng được, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị tụt lại. Đây là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam, không chỉ trong phát triển kinh tế mà cả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, nhiều thách thức khác có thể kể đến như: việc toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên, nhất là rào cản về môi trường, biến đổi khí hậu cản trở thương mại của các nước yếu thế, trình độ phát triển thấp. Đặc biệt, trên thế giới, các nước phát triển đang có xu thế dịch chuyển các loại hình sản xuất cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển để giảm chi phí xử lý môi trường, khiến các nước đang phát triển phải gánh chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường. Việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguy cơ các DN lợi dụng việc cho phép nhập khẩu phế liệu để chuyển chất thải vào Việt Nam…

Ứng dụng công nghệ 4.0để phát triển xanh

Theo đánh giá của các chuyên gia, CMCN 4.0 tác động tích cực đến lĩnh vực môi trường trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung và dài hạn nhờ các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, công nghệ thông tin, kỹ thuật số còn tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp trong lĩnh vực quản lý môi trường như: tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí... Nhiều sản phẩm được ứng dụng trong các lĩnh vực như: quan trắc tự động môi trường ở các điểm xả thải, đo tự động mức độ ô nhiễm đối với các yếu tố môi trường như nước thải, không khí, áp dụng trong dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn kết nối mặt đất với vệ tinh, khôi phục, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên…

Ông Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nhấn mạnh: Trong thời đại CMCN 4.0, để bảo vệ môi trường, cần phải tăng cường hệ thống quan trắc tự động liên tục, các hệ thống sensor, camera, vệ tinh; thu nhận, xử lý và công bố số liệu quan trắc tự động (chất lượng không khí xung quanh, phát thải khí thải của các nhà máy, chất lượng nước các dòng sông, chất lượng nước thải khu công nghiệp, các nhà máy); số hóa các dữ liệu, số liệu quản lý; ứng dụng AI, big data, blog chain, IOT trong kiểm soát ô nhiễm, dự báo hành vi...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có thể ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển xanh trong chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”: Công nghệ 4.0 phải được ứng dụng trong giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt trong kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải bằng 0. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học trong khôi phục, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Đưa ra những định hướng trong thời gian tới về việc áp dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - khẳng định: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định, việc nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ ưu tiên trong giai đoạn CMCN 4.0 là những công nghệ về quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; những công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm, giảm chất thải…

Mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra là quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
         
Báo cáo của 43 tỉnh, thành phố về hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý môi trường cho thấy, có 24/43 tỉnh, thành phố có cơ sở dữ liệu về môi trường (chiếm 55,8%), trong đó có 14/24 tỉnh có cơ sở dữ liệu quản lý đầy đủ các thông tin về chất thải rắn, nước thải và khí thải (chiếm 60%). Đồng thời, có 11/43 tỉnh có cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên các thông tin (chiếm 32,4%) và một số địa phương vẫn lưu trữ các thông tin môi trường bằng tài liệu giấy. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai Hệ thống thông tin quốc gia về môi trường trên cả nước.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 03-01-2019
Cùng chuyên mục
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tích cực đến môi trường