Cách mạng 4.0 hay cách mạng về tư duy làm chính sách?

(BKTO) - Nhân loại đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là "cá nhanh nuốt cá chậm". Tuy nhiên về mặt quản lý, các chính sách lại luôn có độ trễ, chưa thể theo kịp tốc độ đổi mới của công nghệ. Tốc độ đổi mới công nghệ càng cao, độ trễ của chính sách càng lớn, đối tượng chịu sự điều chỉnh càng chịu nhiều thiệt hại và rủi ro.



Chính sách chưa thể bắt kịpsự thay đổi của công nghệ

Thời gian qua, công nghệ 4.0 đã mang đến rất nhiều mô hình kinh doanh mới dưới dạng kinh tế chia sẻ, như: cùng đi chung xe ô tô, sử dụng lại đồ chơi trẻ em khi con cái đã lớn, cho thuê phòng theo dạng homestay qua môi giới của Airbnb… So với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như những hình thức kinh doanh mới, các cơ chế quản lý đối với lĩnh vực này lại đang chuyển đổi một cách chậm chạp, thể hiện sự bất cân xứng giữa chính sách và thực tiễn.

Một trong những vụ việc điển hình và nổi tiếng gần đây là cuộc tranh chấp giữa hai kiểu kinh doanh taxi, mà thực chất là sự cạnh tranh giữa phương thức chở khách truyền thống và phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ hiện đại. Trong cuộc tranh chấp này, nếu taxi truyền thống chiến thắng có nghĩa là công nghệ bị tụt hậu; nếu taxi công nghệ thắng thì đồng nghĩa với việc chính sách đã bị thực tiễn bỏ lại phía sau.

Còn với Airbnb, theo thông tin của ngành du lịch, Hà Nội và TP. HCM hiện đang có hơn 16.000 phòng cho thuê qua ứng dụng này. Số phòng trên tương đương với tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2 - 4 sao của TP. HCM và đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Mặc dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Airbnb vẫn chưa thiết lập bất kỳ hiện diện thương mại nào tại Việt Nam, toàn bộ giao dịch chỉ thực hiện trực tuyến trên mạng Internet và được Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế mà không cần xuất hóa đơn hay có hệ thống sổ sách kế toán. Đây chính là một thực trạng gây đau đầu cho cơ quan quản lý, cả trong vấn đề kiểm soát thuế cũng như trong các quy định pháp lý đối với hoạt động này.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành từ đầu những năm 2000, được phát hiện từ năm 2010, nhưng phải đến ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng của Việt Nam mới có hiệu lực. Điều này cho thấy, so với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, chính sách quản lý đã tụt hậu ít nhất là trong 9 năm. Giữa khoảng thời gian này, vô số quan hệ hay giao dịch thông qua công nghệ đã bị bỏ sót hoặc không được quan tâm, thậm chí những tương tác đó còn bị lợi dụng để gây ra nhiều mối bất ổn cho xã hội.

Sự thiếu bao quát hoặc chậm trễ của chính sách thường có tác động tổng thể đến nhiều đối tượng. Trong lĩnh vực công nghệ 4.0, khoảng trống và sự lạc hậu của chính sách còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những hiện tượng xã hội rộng lớn hơn, nghiêm trọng hơn so với tình trạng thuế thương mại điện tử bị thất thu.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, tới đây, có đến 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ mất việc làm khi DN ứng dụng người máy thay cho lao động giản đơn. Để ứng phó với tình huống này, Nhà nước cần kịp thời đưa ra hàng loạt chính sách điều chỉnh, từ việc đào tạo nghề thay thế cho đến các bài toán an sinh. Nếu chính sách không theo sát sự thay đổi từ công nghệ, để tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thì xung đột xã hội là khó tránh khỏi.

Cách mạng 4.0 không chỉ là cách mạng công nghệ

Trên thực tế, việc đảm bảo hài hòa tốc độ phát triển của hai lĩnh vực công nghệ và chính sách không bao giờ là chuyện dễ dàng. Nếu giữ nguyên chính sách, công nghệ sẽ bị cản trở, kìm hãm; nếu lấy tiến bộ công nghệ làm căn cứ xây dựng chính sách thì chính sách phải thay đổi rất nhanh. Trong khi đó, chính sách lại là lĩnh vực rất khó để sửa đổi thường xuyên, vì nó phải duy trì một thời gian mới có thể ổn định cơ chế vận hành, bộ máy cũng như nhân sự.

Các chuyên gia cho rằng, sự lạc hậu của chính sách so với đổi mới công nghệ là tất yếu. Điều quan trọng, Nhà nước phải đặt ra những nguyên tắc hoạch định chính sách có khả năng tạo cơ hội cho công nghệ được phát triển tối đa, theo đúng bản chất của nó.

Đối với Việt Nam, các chính sách ban hành thường chậm hơn so với nhiều nước vì Việt Nam chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm hơn, quá trình công nghiệp hóa muộn hơn. Nhiều chính sách của Việt Nam được ban hành dựa trên kinh nghiệm các nước và nguyên tắc quốc tế. Một số chính sách, quy định ban hành thiếu tính dự báo hoặc không lường hết được những tình huống đa dạng của thực tiễn, nhất là những tình huống gắn với việc đổi mới công nghệ dựa trên sự sáng tạo, bao gồm cả yếu tố không có trong thực tế.

Bản chất của công nghệ 4.0 chủ yếu là dùng trí tuệ nhân tạo để tăng năng suất lao động, một là làm dịch vụ, hai là điều hành robot thay người. Thế nhưng, cách đây mấy tháng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại có một cái nhìn sâu xa hơn. Theo ông Hùng, cách mạng 4.0 sẽ không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, mà lớn hơn nữa là cuộc cách mạng về chính sách. Những quốc gia chưa phát triển, với khung pháp lý chưa đủ mạnh, có thể linh hoạt hơn trong việc thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, những chính sách mới để tiếp cận các công nghệ mới.

Điều đáng tiếc là trong thời gian qua, những chính sách mới cho lĩnh vực công nghệ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và khoảng trống, thậm chí, có những chính sách ra đời đã "trói" công nghệ nhiều hơn là tạo cơ hội cho công nghệ "tung cánh bay lên". Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định: khi sản phẩm công nghệ mới ngày càng đa dạng, rủi ro chính sách, mà thực chất là rủi ro pháp lý sẽ ngày càng cao. Bởi thế, Nhà nước cần nhận dạng rủi ro pháp lý này để điều chỉnh theo hướng chính sách không trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của công nghệ 4.0, cũng như không kìm hãm sự phát triển tự thân của xã hội.

Theo các chuyên gia, thay vì chỉ đưa ra chính sách cụ thể, Nhà nước cần có tư duy tiến đến xây dựng hệ sinh thái phát triển công nghệ, trong đó các chính sách chỉ là các bộ phận cục bộ cấu thành. Tư duy hệ sinh thái phát triển công nghệ sẽ đầy đủ, toàn diện, có tính đón đầu, đồng thời đủ dư địa hơn cho sự phát triển công nghệ. Cả Nhà nước, DN và các đối tượng hữu quan cần tập trung phát triển hệ sinh thái này, bao gồm nguyên tắc, quy định, hệ thống chính sách, cách ứng xử chính thức và phi chính thức, triển vọng dài hạn, văn hóa sáng tạo và phát triển công nghệ…

Nếu trước đây, phần lớn thành công của các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều phụ thuộc vào việc khai thác nguồn lực tài chính, tài nguyên khoáng sản, thì cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dường như lại phụ thuộc vào thể chế và định hướng phát triển nhiều hơn. Như vậy, cách mạng 4.0 không chỉ là cách mạng kỹ thuật số, không chỉ là cách mạng công nghệ mà cần sự cách mạng về tư duy. Nói đúng hơn, đó chính là cuộc cách mạng có thể thay đổi tư duy làm chính sách.

ĐINH HIỀN
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019
Cùng chuyên mục
Cách mạng 4.0 hay cách mạng về tư duy làm chính sách?