Bất cập trong phân bổ dự toán chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề

(BKTO) - Từ những bất cập trong việc phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề tại các địa phương được KTNN chỉ ra, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung tiêu chí phân bổ dự toán chi để đảm bảo chi đúng, chi đủ cho lĩnh vực này.




Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến. Ảnh: quochoi.vn

Định mức phân bổchưa đảm bảo tỷ lệ chi

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018 của KTNN trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua nêu rõ: Bộ Tài chính tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho các địa phương kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 (Quyết định 46) không phù hợp thực tế đã giao các năm trước, không sử dụng được để làm căn cứ xác định số bổ sung cân đối năm đầu thời kỳ ổn định từ ngân sách trung ương (NSTW) cho các địa phương. Qua chọn mẫu kiểm toán việc lập và giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề tại 16 tỉnh cho thấy, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo tính theo tiêu chí dân số quy định tại Quyết định 46 chỉ đáp ứng được 60% tổng quỹ lương sự nghiệp này, cá biệt có những địa phương đáp ứng ở mức thấp, như: Nam Định 46%, Bến Tre 50%, Quảng Trị 49%… Định mức trên cũng chỉ đáp ứng được 45,7% tổng chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo được Bộ Tài chính giao năm 2017, trong đó có địa phương chỉ đáp ứng được dưới 40% tổng chi.

Thực tế trên dẫn đến 16/16 tỉnh được chọn kiểm toán đều phải tính bổ sung chi sự nghiệp giáo dục theo quỹ tiền lương để đảm bảo “tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) tối đa 82%” (định mức kèm theo Quyết định 46) làm cơ sở xác định số bổ sung cân đối của NSTW cho ngân sách địa phương (NSĐP) thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn cách thức xác định để áp dụng thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, không đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa các địa phương, dẫn đến có địa phương xác định quỹ lương cao thì số được bổ sung cân đối cao. Qua kiểm toán cho thấy, đối với quỹ lương sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề năm 2017, Bộ Tài chính đã sử dụng để xác định số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 còn chênh lệch lớn so với quỹ lương quyết toán thực tế năm 2017 của các địa phương.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, Bộ Tài chính tính lương cho giáo viên mầm non được các địa phương hợp đồng trong cơ cấu chi thường xuyên để xác định số bổ sung cân đối của NSTW cho địa phương không thuộc tiêu chí bổ sung theo Quyết định 46; không phù hợp với nguyên tắc hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, chính sách đối với giáo viên mầm non và không thống nhất giữa các địa phương.

Cần bổ sung tiêu chílàm căn cứ phân bổ dự toán

Làm rõ thêm những bất cập trên, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) chỉ ra rằng, thực tiễn cho thấy, các địa phương có dân số ít, số lượng học sinh đi học cao thì việc phân bổ kinh phí cho giáo dục, đào tạo tính theo dân số địa phương sẽ bị thiếu hụt. Các địa phương này phải tính bổ sung chi sự nghiệp giáo dục theo quỹ lương để đảm bảo tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản khác theo tỷ lệ là 82%. Tuy nhiên, khi thực hiện định mức chi theo tỷ lệ cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do bị khống chế về định mức biên chế nên số lượng giáo viên trường thừa, trường thiếu, trong khi các hoạt động chuyên môn, giảng dạy và học tập không thay đổi, dẫn đến các trường có số biên chế giáo viên thiếu, kinh phí phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập 18% sẽ không đủ. Kết quả là các địa phương không những phải bù kinh phí hoạt động thường xuyên mà còn phải bù kinh phí giảng dạy cho các trường thiếu giáo viên.

Cũng theo Quyết định 46, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN áp dụng cho năm 2017 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, các năm còn lại thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định NSNN 2017-2020. Quy định này dẫn đến các khoản chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy, học tập năm đầu 2017 có thể đạt được mức tuyệt đối tương đương với tỷ lệ 18%, nhưng càng về những năm sau thì tỷ lệ này sẽ giảm do mức lương cơ sở trong những năm qua diễn biến tăng hằng năm, trong khi các hoạt động chuyên môn ổn định không thay đổi, làm cho tỷ lệ của các khoản chi cho giảng dạy, học tập bị giảm. Theo đại biểu, điều này không đúng với tinh thần của Quyết định 46.

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Thơ đề nghị, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định 46. Trong đó, đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, bên cạnh tiêu chí xác định mức dân số làm cơ sở để tính toán, cần có sự bổ sung thêm các tiêu chí khác như số học sinh đi học ở từng địa phương. Đồng thời, đề nghị tăng tỷ lệ chi cho công tác giảng dạy, học tập chuyên môn khác từ mức 18% lên 25% thì mới đảm bảo mức chi đúng và chi đủ.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng cho rằng, việc phân bổ NSNN cho giáo dục ở các địa phương dựa trên tiêu chí dân số là không đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương. Cần phải quan tâm hơn đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách, tỷ lệ chi và khả năng xã hội hóa giáo dục thấp...

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Bất cập trong phân bổ dự toán chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề