Xem xét cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng, chống dịch

(BKTO) - Chiều 08/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.



Chính phủ đề xuất 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa; để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược, Chính phủ đã có Tờ trình số 521/TTr-CP trình UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
                
   

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Qua tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 04 nhóm vấn đề: Khám, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế.

Cụ thể, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thì: Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và NSNN chi trả phần còn lại; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19.

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phải áp dụng biện pháp bình ổn giá. Việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá; cho phép thực hiện khám, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19.

Liên quan đến kinh phí thực hiện tiêm chủng, xét nghiệm, khám, chữa bệnh đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 nhưng cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ; đồng thời cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn NSNN cho hoạt động khám, chữa bệnh Covid-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.

Xem xét kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo minh bạch, hiệu quả

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được Chính phủ trình UBTVQH cho phép thực hiện là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn, do đó, cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày ý kiến thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

   

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ rà soát lại dự thảo Nghị quyết, chỉ trình UBTVQH những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, thuộc thẩm quyền của UBTVQH và nội dung được Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cho rằng, theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, UBTVQH đã ban hành một số Nghị quyết, trong đó cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng để thực hiện minh bạch và hiệu quả.

Liên quan đến phạm vi của chính sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, ngoài lực lượng y tế ra thì các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch hoặc được điều động tham gia phòng, chống dịch có cần cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù hay không? Lưu ý tới lực lượng y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát để có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ y tế cơ sở và lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch.

KTNN sẽ kiểm toán chuyên đề việc sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch

Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cơ bản đồng tình với các nội dung đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, KTNN đã quyết định kiểm toán chuyên đề việc sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. KTNN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề này và đã có văn bản gửi đến các Bộ, ngành, địa phương. Việc UBTVQH ban hành Nghị quyết này sẽ giúp cho công tác kiểm toán của KTNN rõ ràng, minh bạch hơn.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua công tác tổng hợp của KTNN cho thấy nhiều khoản kinh phí chuyển từ Mặt trận Tổ quốc sang Bộ Y tế không chi tiêu được vì vướng cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề mua sắm các trang thiết bị. Vì vậy, "nếu không có cơ chế tháo gỡ sớm thì ngành y tế sẽ không tiến hành mua sắm để phục vụ khám, chữa bệnh được”

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thông tin thêm, hiện nay KTNN đang hoạch định kế hoạch kiểm toán liên quan đến vấn đề này và sẽ mời đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành tham gia ý kiến vào đề cương kiểm toán của KTNN nhằm giúp Quốc hội, Chính phủ đánh giá đúng thực trạng vấn đề này.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tập trung trình những nội dung chưa được Luật quy định hoặc khác quy định của Luật, pháp lệnh hiện hành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để Đảng đoàn Quốc hội trình xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi ban hành Nghị quyết.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Xem xét cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng, chống dịch