Việt Nam cam kết hợp tác với khối Pháp ngữ, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng

(BKTO) - Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi tiếp bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.




Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hoan nghênh những đóng góp của bà trong hơn 11 tháng qua trên cương vị Tổng Thư ký, đặc biệt trong việc tạo sự năng động mới của Pháp ngữ, nâng cao tinh thần đối thoại, tăng cường hình ảnh của Pháp ngữ; tin tưởng với kinh nghiệm của mình, Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo sẽ tiếp tục đảm nhiệm tốt trọng trách mà những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 88 thành viên Pháp ngữ tín nhiệm giao phó.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngày nay, thế giới và không gian Pháp ngữ đang đứng trước nhiều thách thức toàn cầu, khu vực và liên khu vực mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Vì vậy, vai trò của các thể chế đa phương là hết sức quan trọng. Ở cấp độ toàn cầu, đó là vai trò không thể thay thế của Liên Hợp Quốc. Ở cấp độ khu vực và liên khu vực là các tổ chức, các cơ chế ở châu Phi, châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) trong việc tham gia tìm giải pháp cho các bất ổn chính trị và xung đột tại các nước thành viên, xây dựng lòng tin, tăng cường và mở rộng đoàn kết, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ..., đưa hợp tác Pháp ngữ đi vào chiều sâu và tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề nhằm tìm ra biện pháp giải quyết nguồn gốc sâu xa của khủng hoảng và bất ổn như bất bình đẳng, nghèo đói, kém phát triển.

“Việt Nam mong muốn OIF tiếp tục xây dựng và thực hiện các chính sách hướng đến con người, tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó khuyến khích vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực, năng động của giới doanh nghiệp, phụ nữ và thanh niên Pháp ngữ, đồng thời thúc đẩy việc mở rộng các mô hình hợp tác thành công thời gian qua như hợp tác ba bên, hợp tác Nam-Nam, hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ, kỹ thuật số, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Nhấn mạnh đường lối đối ngoại coi trọng hòa bình, hợp tác và phát triển, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới cũng như trong không gian Pháp ngữ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Việt Nam đã ứng cử và được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trong hai năm đảm nhiệm trọng trách của mình tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ dành quan tâm thích đáng đến các vấn đề hòa bình, an ninh ở châu Phi, sẵn sàng hợp tác với các nước, các đối tác liên quan vì một nền hòa bình bền vững ở châu Phi. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam luôn tích cực cùng với các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ về vấn đề Biển Đông; đề nghị Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo và OIF tiếp tục quan tâm đến những vấn đề hòa bình, phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy việc bảo vệ giá trị và tính toàn vẹn của Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật trên các vùng biển và đại dương; tiếp tục có tiếng nói khách quan, kêu gọi các bên giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế; ủng hộ nỗ lực của các bên nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định về những cam kết Việt Nam tiếp tục hợp tác với các nước thành viên OIF cùng nỗ lực phát huy bản sắc và các giá trị chung của Cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Là thành viên tích cực của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động để góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực, đặc biệt là việc triển khai các sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước Pháp ngữ châu Phi và các nước trong khu vực; tăng cường liên kết giữa OIF, Liên minh châu Phi với ASEAN nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo bày tỏ vui mừng được quay lại đất nước Việt Nam tươi đẹp lần thứ 2; cho biết, một trong những nhiệm vụ bà xác định trong nhiệm kỳ làm Tổng Thư ký OIF là tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với khối Pháp ngữ nói chung và từng thành viên trong khối nói riêng, đặc biệt là các nước châu Phi.

Cho biết được bầu làm Tổng Thư ký OIF vào thời điểm quan trọng vì năm 2020, Tổ chức này sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, đây cũng là thời điểm quan hệ quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi Tổ chức phải có sự điều chỉnh để thích ứng, bà Louise Mushikiwabo bày tỏ tin tưởng với sự ủng hộ của các quốc gia thành viên, OIF có thể khẳng định được vai trò của mình, không chỉ ra đời nhằm phát huy tiếng Pháp mà còn chứng minh đây là tổ chức có ích cho người dân, cho giới trẻ, đóng góp mạnh mẽ vào hòa bình của thế giới. Theo bà Louise Mushikiwabo, quê hương Rwanda của bà có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, bước ra từ đau thương, xung đột để xây dựng một đất nước phát triển, đã có nhiều hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà đề nghị Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia thành viên OIF, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi. Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa khu vực châu Phi và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Bà Louise Mushikiwabo cũng hoan nghênh sự tham gia tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực này, chúc mừng Việt Nam được nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức OIF tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; mong muốn Việt Nam tích cực tham gia vào Diễn đàn tham vấn giữa các thành viên Pháp ngữ, đồng thời là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng các quốc gia, đặc biệt là vấn đề an ninh, hòa bình ở châu Phi.

Theo Lê Sơn
baochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
Việt Nam cam kết hợp tác với khối Pháp ngữ, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng