Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 31

(BKTO)- Ngày 21/2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành Phiên họp thứ 31.



Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Phiên họp thứ 31 được tiến hành trong một ngày. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   
Sửa Luật Đầu tư công phải tháo gỡ được vướng mắc và thúc đẩy phát triển

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

UBTVQH tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi Luật; nguồn vốn ngoài NSNN; về phân tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; quy trình quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; Kế hoạch đầu tư công 03 năm cuốn chiếu; về nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và thẩm quyền của UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án cụ thể; nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực HĐND.

Đặt vấn đề sửa Luật này có giải quyết được khó khăn, ách tắc trong đầu tư công hay không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế cho thấy phần nhiều ách tắc là do tổ chức thực hiện chứ không phải hoàn toàn do Luật. “Nhiều ý kiến cứ đổ thừa cho Luật Đầu tư công nên giờ điểm nào bất hợp lý thì sửa chứ đừng có sửa lại tiếp tục bất hợp lý. Phạm vi, tên gọi thế nào không quan trọng miễn là sửa cái nào ra cái đó, để không thể nói ách tắc do luật nữa” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quan điểm Chủ tịch Quốc hội cũng là ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Luật Đầu tư công hiện hành có đời sống quá ngắn, khoảng 3 năm đã rục rịch sửa nên cần cân nhắc về phạm vi. Chỉ nên xem xét sửa những vấn đề gây vướng mắc trong thực tiễn. Nếu sửa lớn thì phạm vi là Luật Đầu tư công sửa đổi, không lớn thì gọi Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công.
                
   

Các thành viên UBTVQH thảo luận tại Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn: Chính phủ và cơ quan thẩm tra đang đi theo hướng sửa đổi Luật toàn diện nhưng vấn đề là sửa cái gì để thúc đẩy đầu tư công, thực sự tháo gỡ vướng mắc và có tính ổn định lâu dài. Do đó, phải tính toán rất kỹ để đi vào đúng trọng tâm trọng điểm và đảm bảo thống nhất với các luật khác, nhất là các luật ban hành trong nhiệm kỳ này.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhất trí việc sửa đổi phạm vi và tên gọi của Luật tùy thuộc vào quá trình rà soát với tinh thần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển, hạn chế tối đa việc sửa những điều luật không cần thiết.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng thống nhất: Không tán thành với việc quy định tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập; không tán thành với quy định kế hoạch đầu tư công 03 năm cuốn chiếu. Đồng thời, UBTVQH yêu cầu rà lại một cách hợp lý các tiêu chí để phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C không chỉ về giá trị mà còn các yếu tố liên quan đến môi trường, xã hội, dân cư… và không đặt ra dự án đặc thù, đặc biệt.

Liên quan đến quy định quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, UBTVQH cho rằng, phải lấy Luật Quản lý nợ công làm gốc và tuân thủ các quy định của Luật về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hữu quan, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm.

Về vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và thẩm quyền của UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án cụ thể; nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực HĐND, UBTVQH nhấn mạnh, nội dung này cần thực hiện đúng quy định của Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, Quốc hội quyết định tổng mức đầu tư, tiêu chí và danh mục dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Quốc hội quyết định tổng mức, tiêu chí tại kỳ họp thứ nhất của khóa và quyết định danh mục dự án vào kỳ họp thứ 2.

Rà soát lại các quy định trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Cũng trong phiên họp sáng 21/2, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, UBTVQH đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị hai cơ quan tiếp tục rà soát, tiếp thu nghiêm túc ý kiến để chỉnh lý toàn bộ Dự án Luật. Cụ thể, UBTVQH yêu cầu rà soát lại các quy định về: trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong đó cần bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định về công khai minh bạch trong quá trình quản lý và thu thuế. Bên cạnh đó, cần bám sát Luật Khiếu nại tố cáo để tránh hạn chế quyền khiếu nại của công dân; bổ sung các quy định về thuế điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, đặc biệt là việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   
Liên quan đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN và Thanh tra nhà nước, UBTVQH yêu cầu rà soát lại Điều 21 và Điều 22 của Dự thảo Luật để đảm bảo quyền của cá nhân, rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, của KTNN và Thanh tra nhà nước, đảm bảo đúng trách nhiệm của tư cách pháp nhân. Theo đó, nếu KTNN kiểm toán trực tiếp thì phải chịu trách nhiệm về kết luận kiểm toán với tổ chức cá nhân. Nếu kiểm toán qua cơ quan thuế thì KTNN cần có trích lục để trên cơ sở đó cơ quan thuế thông báo cho tổ chức, cá nhân. Khi có khiếu kiện 2 cơ quan cần phối hợp với nhau để đảm bảo công bằng tránh gây áp lực, khó khăn cho tổ chức cá nhân.

UBTVQH cũng yêu cầu rà soát lại quy định về Hội đồng tư vấn xã để đảm bảo phù hợp với phương thức quản lý hiện nay; rà soát thêm các quy định về xử phạt, quy định về kê khai thuế, xóa nợ thuế để đảm bảo hợp lý, tránh lạm dụng.

Tiếp đó, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, UBTVQH đã biểu quyết nhất trí với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, giảm đầu tư công trung hạn nguồn NSNN của Bộ Xây dựng, tăng nguồn ngân sách cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Đồng thời, UBTVQH cũng nhất trí với việc điều chỉnh kế hoạch vốn NSNN năm 2018 của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây Dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hơn 1 triệu ý kiến Nhân dân góp ý về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo báo cáo của Chính phủ, phạm vi và nội dung lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là toàn diện, thực hiện trên toàn bộ nội dung Dự thảo Luật từ hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên... Kết quả lấy ý kiến Nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.

Đa số ý kiến của Nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần được dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật Giáo dục.

Tại phiên họp, UBTVQH đánh giá cao sự tích cực chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định Chính phủ đã lựa chọn đúng các vấn đề trọng tâm để tập trung lấy ý kiến Nhân dân. Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến chất lượng giáo viên; chính sách tiền lương đối với nhà giáo; việc phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ quan phụ trách giáo dục, đào tạo của các địa phương; quy định nhiệm vụ của các Bộ trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục…
                
   

UBTVQH bế mạc Phiên họp- Ảnh: Quochoi.vn

   
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 31, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, với tinh thần làm việc nghiêm túc, phiên họp đầu năm mới Kỷ Hợi của UBTVQH đã hoàn thành chương trình đề ra.

Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các Dự án Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi); Ủy ban Tài chính- Ngân sách hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong phiên họp tháng 3 và tháng 4 tới, UBTVQH sẽ xem xét nhiều nội dung, vì vậy các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình UBTVQH. Các cơ quan trình cần gửi hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn quy định để các cơ quan của Quốc hội kịp thời thẩm tra.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung cho các phiên họp của UBTVQH để chuẩn bị cho kỳ họp vào tháng 5 tới của Quốc hội.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Không cắt giảm lấy được để báo cáo thành tích
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)– Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) tại phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019 vào ngày 19/02.
  • Chính sách tiền tệ vững vàng  vượt qua biến động
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Năm 2018, bối cảnh bên ngoài Việt Nam vẫn đầy biến động, các rủi ro trong nước vẫn tiềm tàng, chính sách tài khoá còn hạn chế, chính sách tiền tệ đòi hỏi phải thận trọng, tạo dư địa cho khả năng hấp thụ các cú sốc bất lợi. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, mọi cú sốc từ thị trường thế giới đã nhanh chóng truyền tải vào thị trường trong nước. Việc dòng vốn từ bên ngoài chững lại hoặc đảo chiều sẽ gây tác động tâm lý tiêu cực lan toả cho cả nền kinh tế và có thể kích hoạt một giai đoạn suy thoái mới. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ cần phải đặt mục tiêu tạo môi trường ổn định bền vững trong dài hạn.
  • Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh:  Đừng để nền kinh tế số rơi vào  khu vực phi chính thức!
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bằng sự kết nối sâu rộng qua công nghệ thông tin, nền kinh tế số đã tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có cho thị trường lao động và việc làm, nhưng sự phát triển chóng mặt của lĩnh vực này cũng khiến Việt Nam gặp rất nhiều thách thức.
  • 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019): Giữ toàn vẹn lãnh thổ
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Hàng nghìn người lính đã ngã xuống và biết bao người đã bỏ lại xương máu của mình dọc biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1989. Ngẫm cái giá cho hòa bình thật quá lớn, song thế hệ chiến sĩ thời kỳ này đã không hổ thẹn với tiền nhân trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc”. Đó là khẳng định của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương khi nói về cuộc chiến đấu 40 năm trước.
  • 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019): Khốc liệt Vị Xuyên
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tính từ ngày quân xâm lược nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc cho đến ngày rút quân, đồng loạt và bất ngờ chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (1984 - 1989), trong thời gian đó, quân xâm lược không chỉ sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những cuộc tàn phá kinh hoàng; khốc liệt và thương vong nhất là ở mặt trận Vị Xuyên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 31