Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Sáng 12/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 36.



Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự Phiên họp.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Ảnh: Trọng Đức

   
Báo cáo UBTVQH về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Sau Kỳ họp thứ 7, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) đã chủ trì, phối hợp với KTNN, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở báo cáo về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của KTNN, Thường trực Ủy ban TCNS đã tổ chức phiên họp để thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu Dự án Luật này.

Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN

Tại Phiên họp, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật, tập trung vào các vấn đề về: việc đề xuất bổ sung thêm so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp; quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN); về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; bổ sung quy định để giám sát hoạt động của KTNN; về công khai kết quả kiểm toán.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, UBTVQH đồng tình với cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo về hướng giải trình, tiếp thu đối với các nội dung về: phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán và nội dung liên quan đến sửa nhiệm vụ KTNN “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” chuyển thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Về các nội dung còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH cho rằng, việc bổ sung thêm hai nhiệm vụ của KTNN (gồm nhiệm vụ kiểm toán vì sự phát triển bền vững của đất nước và nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nội bộ) cần cân nhắc vì có nội dung quá rộng, có nội dung trùng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.

Về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBTVQH đồng tình quy định KTNN có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có quyền xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong Dự án Luật chỉ quy định về thẩm quyền còn mức xử phạt vi phạm hành chính, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến việc bổ sung thẩm quyền giám định tư pháp của KTNN, một số thành viên UBTVQH cho rằng, việc KTNN tham gia giám định tư pháp là rất tốt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này để phù hợp với năng lực của KTNN.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họpẢnh: Trọng Đức

   
Đối với việc bổ sung quy định để tránh sự chồng chéo giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, UBTVQH thống nhất quy định sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo. Trong trường hợp các cơ quan không điều hòa được thì cần quy định một cơ quan có thẩm quyền (là Quốc hội hoặc UBTVQH) điều phối để tránh chồng chéo.

Về phạm vi hoạt động của KTNN, UBTVQH cho rằng, phải giữ nghiêm phạm vi hoạt động của KTNN theo tinh thần Hiến pháp và trong Luật KTNN đã quy định, trong quá trình thực hiện không có gì vướng mắc nên vẫn giữ nguyên phạm vi hoạt động của KTNN như quy định của Hiến pháp và Luật hiện hành. Tuy nhiên, qua hoạt động kiểm toán mà phát hiện những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công hoặc các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thuộc trách nhiệm của KTNN thì KTNN có quyền mở rộng kiểm toán.

Đối với vấn đề bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, UBTVQH nhấn mạnh, trách nhiệm PCTN, chống tiêu cực cũng là một nhiệm vụ của KTNN. Tuy nhiên, việc bổ sung các quy định vào Luật KTNN cần dẫn chiếu đúng Luật PCTN, để đảm bảo đúng thẩm quyền.

Quy định rõ phạm vi, thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử

Liên quan đến quyền truy cập dữ liệu điện tử của KTNN, đa số các thành viên UBTVQH thống nhất cho rằng, việc kết nối truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng là cần thiết, song quyền truy cập với dữ liệu, tài liệu không công khai thì phải được hạn chế và chỉ thực hiện khi hoạt động này có liên quan đến hoạt động kiểm toán và phục vụ cho công việc kiểm toán. Do đó, phải quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân.

Góp ý vào Dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định để giám sát hoạt động của KTNN theo hướng quy định giao cho một cơ quan của Quốc hội hoặc sử dụng một cơ quan kiểm toán độc lập để kiểm toán hoạt động và kiểm soát đánh giá chất lượng các báo cáo, kết luận của cơ quan KTNN; đồng thời, bổ sung quy định về việc phối hợp giữa Ủy ban TCNS của Quốc hội và KTNN để tổ chức các phiên giải trình về báo cáo của các cuộc kiểm toán lớn, quan trọng.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, không đặt vấn đề ai giám sát hoạt động của KTNN vì Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ, việc giám sát hoạt động của KTNN là thẩm quyền của Quốc hội và UBTVQH. Khi cần thiết UBTVQH có thể tổ chức giám sát chuyên đề về hoạt động kiểm toán. Đồng thời, cũng không đặt vấn đề KTNN đi giám sát mà chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
                
   

Toàn cảnh phiên hop sáng 12/8. Ảnh: Trọng Đức

   
Đối với quy định về công khai kết quả kiểm toán, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Luật hiện hành đã quy định về công khai kết quả kiểm toán, quá trình triển khai không có gì vướng mắc nên thực hiện theo Luật hiện hành.

Trên cơ sở kết luận tại Phiên họp, UBTVQH giao Ủy ban TCNS phối hợp với KTNN và các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ dự án Luật cũng như báo cáo tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 37.

Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban TCNS về việc bổ sung dự toán NSNN năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Kuwait với tổng vốn viện trợ là 225.000 USD để khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Đây là khoản viện trợ có địa chỉ cụ thể, UBTVQH đồng tình báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật NSNN tại Kỳ họp thứ 8.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Gian nan xuất khẩu dệt may vào  thị trường trăm tỷ USD
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từ nhiều năm qua, khi còn đang đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều chuyên gia đã nhận định, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định này có hiệu lực. Điều này là có cơ sở, trên nhu cầu nhập khẩu dệt may lớn của thị trường EU, cũng như khả năng đáp ứng của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có thuận lợi, nhiều gian nan đang hiện hữu trên con đường đến với thành công...
  • Thời cơ mới phát triển thị trường  mua bán, sáp nhập tỷ USD
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Những năm qua, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN. Các thương vụ M&A cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của DN Việt Nam.
  • Lễ kỷ niệm 90 năm ngày Báo Lao động xuất bản số đầu tiên
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Xuất bản số báo đầu tiên ngày 14/8/1929, Lao Động là một trong hai tờ báo có tuổi đời lâu nhất trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam - 90 năm.
  • Giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Lào
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Lãnh đạo hai nước nhất trí giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào phát triển lên tầm cao mới và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
  • Thủ tướng: Lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích quốc gia
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên tắc chung là phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước